Vụ mùa năm nay, huyện Phú Bình gieo cấy được hơn 7.000ha lúa, trong đó có khoảng 4.000ha lúa mùa sớm, còn lại là mùa trung và mùa muộn. Do thời tiết có diễn biến phức tạp, nắng mưa đan xen đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại lúa phát sinh, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ khiến trên 1.500ha lúa mùa trung và mùa muộn bị nhiễm sâu bệnh.
Để hạn chế thiệt hại cho lúa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân cần tích cực thăm đồng, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt cần thực hiện phun trừ theo đúng hướng dẫn về nồng độ thuốc phun, thời gian phun, đối tượng phun…để đạt được hiệu quả cao nhất. Đối với sâu đục thân 2 chấm, khi mật độ ổ trứng trên 1 ổ/m2 thực hiện phun 2 lần, mật độ ổ trứng trên 5 ổ/m2 thực hiện phun 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 3-5 ngày, bằng các loại thuốc như: Ledan 95SP, Padan 95SP, Vitako 40WG…; đối với rầy nâu, khi mật độ rầy đạt 50 con/khóm (2.000-2.500con/m2) có thể sử dụng các loại thuốc như Chess 50WG, Actara 25WG, Oshin 20WP, Conphai 10WP… để phun trừ; đối với sâu cuốn lá nhỏ khi mật độ trên 100 con/m2 thì phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày, các loại thuốc có thể sử dụng là Virtako 40WG, Padan 95SP, Ansuco 120WG, Victory 585EC…