Phụ lục về tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh công bố mới đây cho thấy, các ngành, lĩnh vực kinh tế được bố trí vốn lớn nhất là giao thông, thủy lợi và hạ tầng công nghiệp. Điều đó cho thấy định hướng và mục tiêu phát triển của tỉnh chính là phát triển hạ tầng trọng tâm để thu hút đầu tư, tạo bước đột phá lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Trong 5 năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh ta đã phân bổ đầu tư cho phát triển với tổng vốn trên 10.600 tỷ đồng, trong đó riêng ngân sách Nhà nước chiếm gần 6.000 tỷ đồng, còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn khác. Phân chia theo 16 ngành, lĩnh vực thì tỷ lệ cụ thể như sau: Đứng đầu là lĩnh vực giao thông - vận tải (GT-VT) với số vốn 2.670 tỷ đồng; tiếp đến là nông, lâm nghiệp, thủy lợi với 1.933 tỷ đồng; giáo dục, y tế lần lượt là trên 1.150 tỷ đồng và 1.403 tỷ đồng. Khu vực công nghiệp, xử lý nước thải, rác thải đứng tiếp theo với số vốn từ 837 đến 975 tỷ đồng... Theo lãnh đạo ngành Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, việc phân bổ vốn như trên không chỉ tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương mà còn phù hợp với mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
Được biết từ năm 2005, tỉnh ta đã xây dựng nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển hàng năm, trình HĐND tỉnh thông qua để làm cơ sở điều tiết vốn một cách khoa học, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hơn nữa, trên cơ sở chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh, việc phân bổ vốn cho các dự án (DA) đầu tư được thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên. Cụ thể là bố trí vốn trả nợ 100% đối với các DA đã được phê duyệt quyết toán; bố trí 80% cho các DA hoàn thành, 70% cho các DA chuyển tiếp và bố trí cho các DA khởi công mới theo tỷ lệ 20% đối với DA nhóm B, 35% với DA nhóm C. Với nguyên tắc này, tình trạng nợ đọng vốn xây dựng cơ bản kéo dài từ nhiều năm trước đã dần được giải quyết và các DA xây mới vẫn được triển khai, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.
Thời gian qua, tỉnh ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó ưu tiên số 1 là giao thông. Đó là điều dễ hiểu bởi muốn phát triển kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước. Chúng ta đều biết rằng, hệ thống giao thông của tỉnh những năm qua (và ngay cả hiện tại khi đã được quan tâm đầu tư) vẫn là rào cản lớn đối với tỉnh. Thời gian trước, việc để tuột không ít nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư tên tuổi, sức lan tỏa kinh tế mạnh một phần là do hạ tầng giao thông của tỉnh hạn chế. Theo thông tin từ Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), khi quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình (Phổ Yên) từ năm 2013, ngoài những chính sách ưu đãi đặc biệt của tỉnh còn là bởi tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang hoàn thiện có thể rút ngắn gần một nửa quãng đường và thời gian giữa Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội so với trước.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đã được cải thiện một cách rõ rệt. Tuyến Quốc lộ 3 cũ - huyết mạch giao thông của tỉnh lâu nay - được bố trí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp; các tuyến tỉnh lộ, các DA giao thông ngoài hàng rào KCN cũng được quan tâm đầu tư, trong đó đáng chú ý là tuyến tỉnh lộ 269 nối thị trấn Chùa Hang với thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) - khu vực khai khoáng lớn của tỉnh; đường 47m nối hai KCN trọng điểm của tỉnh là Yên Bình và Điềm Thụy... Theo ông Trương Văn Phụng, Giám đốc Sở GT-VT thì vốn đầu tư của tỉnh cho phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015 lớn nhất từ trước đến nay. Với sự lựa chọn đầu tư hợp lý trên cơ sở ưu tiên những DA cấp bách, quan trọng đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế địa phương.
Cùng với giao thông, hạ tầng cấp điện, cấp nước, hạ tầng xây dựng trong và ngoài hàng rào các KCN cũng được đầu tư nhanh, khối lượng lớn. Trong đó, đáng chú ý là hạ tầng của 4/6 KCN tập trung của tỉnh gồm: KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy, KCN Sông Công 1 và KCN Nam Phổ Yên đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao với các DA của Tập đoàn Samsung và những nhà đầu tư phụ trợ. Trao đổi về đầu tư hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư của các KCN, ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Giai đoạn 2011-2015, tổng các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng các KCN lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do có hạ tầng bảo đảm mà nhiều nhà đầu tư tìm đến với chúng ta. Hiện nay, đã có 130 DA đầu tư vào các KCN của tỉnh, trong đó có 55 DA vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75 DA trong nước với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và gần 11.000 tỷ đồng.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế của địa phương chắc chắn vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo sẽ rất lớn. Theo tính toán của các ngành tham mưu thì giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh sẽ phải là 121.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý là khoảng 10.860 tỷ đồng. Hiện tại, dù cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nhưng còn hạn chế, chưa đồng bộ, hiện đại, tính kết nối chưa cao. Trong khi nhu cầu đầu tư phát triển lớn thì nguồn lực đầu tư còn chưa theo kịp, một số chương trình, đề án từ giai đoạn trước vẫn chưa thể hoàn thành. Điều đó đòi hỏi việc bố trí, sử dụng nguồn vốn của tỉnh phải linh hoạt, cẩn trọng và đúng các nguyên tắc về phân bổ vốn hơn nữa.