Vì sao Cụm công nghiệp Cao Ngạn khó lấp đầy?

10:30, 30/09/2015

Nằm ở vị trí khá thuận lợi về giao thông, phía Nam giáp Quốc lộ 1B, phía Tây giáp sông Cầu, lại cách biệt với khu dân cư, Cụm công nghiệp Cao Ngạn, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) là nơi lý tưởng để các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhưng đến nay, mới chỉ có 3 DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đây, 2 doanh nghiệp khác đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng.

Đến Cụm công nghiệp (CCN) Cao Ngạn thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy nơi này còn rất hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Đường vào đây vẫn là đường đất, chưa có hệ thống cấp nước, xử lý nước thải cũng như hệ thống điện cung cấp cho CCN. Ngoài 3 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) thì diện tích đất còn lại nhiều chỗ vẫn để hoang, cỏ dại mọc um tùm, một số diện tích khác chưa giải tỏa xong mặt bằng. Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên (có trụ sở và nhà xưởng sản xuất tại đây) chia sẻ: Công ty chúng tôi đi vào hoạt động đã gần 3 năm. Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, chúng tôi khá tốn kém và vất vả. Khi mới về đây, điện, nước không có, chúng tôi phải thăm dò, nhờ kéo đường điện từ nhà dân ra nhưng vẫn không đủ điện phục vụ SXKD. Phải mất 1 năm Công ty mới kéo được đường điện về để ổn định sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn phải mua thêm đất để làm đường vào Công ty, tổng chi phí đầu tư ban đầu mất hơn 300 triệu đồng… Cạnh Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên là DN tư nhân Việt Cường. Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc DN cho biết: Chúng tôi có điều kiện thuận lợi hơn là nhờ được đường điện từ Công ty cổ phần Đúc Thái Nguyên nên chưa phải đầu tư tốn kém vào khoản này, nhưng DN lại khá vất vả trong việc giải phóng mặt bằng (hiện vẫn còn 2 hộ dân chưa chịu di dời để DN hoàn thiện mặt bằng, mở rộng sản xuất).

 

Theo Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 28-4-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết mở rộng CCN Cao Ngạn thì khi mở rộng CCN này có diện tích gần 49ha, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch là gần 79ha. Đây là CCN trọng điểm của T.P Thái Nguyên và của tỉnh để phát triển các loại hình công nghiệp đa ngành nghề. Ông Vũ Văn Giang, Phó phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Mặc dù thời gian qua, Thành phố luôn tạo điều kiện và tích cực giúp đỡ các DN trong giải quyết thủ tục hành chính, nhưng kết quả thu hút đầu tư vào CCN Cao Ngạn vẫn còn khiêm tốn, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 23,3%. Lý giải về vấn đề này, ông Giang cho biết: Nếu đầu tư xây dựng CCN thì DN phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng, trong thời điểm  kinh tế khó khăn như hiện nay thì lại càng khó hơn. Còn các DN tự bỏ vốn ra đầu tư cơ sở hạ tầng cũng rất tốt kém, trong khi đó nhiều DN không đủ mạnh để vừa cùng một lúc đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa đầu tư dây truyền SXKD...

 

Cùng với khó khăn trong thu hút đầu tư thì hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại CCN Cao Ngạn rất khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm Phát trển quỹ đất Thành phố cho biết: Hiện nay, tại CCN Cao Ngạn còn một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù và di dời, gây khó khăn cho DN trong phát triển SXKD, nguyên nhân chủ yếu là do các hộ chưa chấp thuận giá đền bù hiện tại.

 

Từ thực tế hiện nay cho thấy, tại nhiều khu dân cư trên địa bàn T.P Thái Nguyên vẫn còn đan xen các cơ sở sản xuất (hiện có hơn 200 cơ sở), nhu cầu di dời các DN ra khỏi khu dân cư là rất cấp thiết. Ông Nguyễn Minh Dũng, đại diện DN sản xuất  bê tông tại tổ 20, phường Gia Sàng cho biết: Lúc đầu tôi có ý định thuê mặt bằng tại CCN Cao Ngạn để mở rộng sản xuất (vì SXKD tại khu dân cư vừa chật hẹp lại vừa gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống sinh hoạt của người dân ở xung quanh). Nhưng khi tìm hiểu, được biết DN phải tự ứng tiền đền bù cho dân để giải phóng mặt bằng và tự xây dựng cơ sở hạ tầng tại CCN Cao Ngạn, tôi xét thấy mình không đủ khả năng nên đã chuyển sang đăng ký hoạt động kinh doanh tại một CCN trên địa bàn T.P Sông Công (vì ở CCN này đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng).

 

Như vậy, điểm mấu chốt không phải là các DN không có nhu cầu đăng ký kinh doanh tại CCN Cao Ngạn, mà vì nhiều DN chưa đủ khả năng đầu tư vào đây (bởi họ vừa phải chi tiền đền bù giải phóng mặt bằng, vừa phải đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu). Tại buổi làm việc mới đây với UBND T.P Thái Nguyên, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND Thành phố tăng cường công tác quản lý các CCN trên địa bàn, đẩy mạnh việc quảng bá, thu hút các nhà đầu tư, giải quyết tốt các vấn đề về thủ tục hành chính cho các DN; đề nghị Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, ra các chế độ chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong các CCN. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo trên của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, “nút thắt” khó khăn trong thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn thành phố, trong đó có CCN Cao Ngạn sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới.