Như thông tin chúng tôi đã đưa, từ ngày 3-9, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 1.200 đồng/lít - một mức giảm khá mạnh. Nhưng, điều được người dân và cả nền kinh tế chờ đợi sau tín hiệu này là vấn đề giảm giá cước vận tải, cước taxi thì vẫn chưa có chuyển biến. Tính riêng trong khoảng 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu đã giảm tới 5 lần nhưng giá cước thì vẫn vậy.
Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải đã lên tiếng thúc giục các doanh nghiệp vận tải và hãng taxi giảm giá cước theo giá xăng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp vận tải kê khai cách tính giá đầu vào. Bởi vấn đề giảm giá cước lúc này hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Chúng ta đều biết, thuế từ xuất khẩu dầu thô chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách, nên việc giá dầu thô thế giới giảm quá sâu sẽ tác động mạnh đến thu ngân sách trong năm nay. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ cách đây mấy ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Dù giá dầu có giảm thì chủ trương của Chính phủ là không tăng sản lượng khai thác dầu để bù hụt nguồn thu ngân sách. Thay vào đó sẽ hướng đến việc thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu hàng hóa, tăng thu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính cũng quyết tâm bảo đảm đạt kế hoạch thu ngân sách đã đề ra từ đầu năm. Mà muốn thúc đẩy sản xuất thì phải tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp giảm chi phí, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong đó, cước vận tải là một khoản chi phí rất lớn. Nếu cước không giảm, giảm chậm hoặc giảm không tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu thì sản xuất sẽ mất đi cơ hội giảm chi phí đầu vào, kéo theo giá thành hàng hóa tiêu dùng cũng không giảm, không tăng được sức mua trên thị trường.
Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới lao dốc, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đang phải giải bài toán làm thế nào để khai thác tối đa lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu, từ đó hạn chế tối đa những thiệt hại từ xuất khẩu dầu thô. Và giải pháp hiệu quả nhất chính là tạo hiệu ứng lan tỏa từ việc giảm giá xăng dầu trong nền kinh tế. Thế nhưng hiệu ứng này đã và đang bị sự chây ì của giá cước vận tải chặn đứng. Theo thống kê, thị trường vận chuyển bằng ô tô của nước ta hiện có tới trên 2.680 doanh nghiệp, 560 hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh gia đình tham gia, nhưng cứ như có sự "bắt tay ngầm" để cùng nhau chây ì trong việc giảm giá cước vận tải theo kiểu "được ngày nào lợi ngày đó". Vẫn biết cước vận tải không nằm trong danh mục quản lý giá của Nhà nước, nhưng theo Luật Giá thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh gia đình tham gia hoạt động vận tải vẫn phải thực hiện kê khai giá và sẽ bị phạt nếu không kê khai, kê khai không đúng với quy định...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xăng dầu chiếm 30-35% chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải. Do đó, giá xăng dầu tăng hay giảm tác động ngay tới doanh thu của doanh nghiệp vận tải, xét rộng hơn là với cả nền kinh tế (vì các loại nguyên liệu không thể tự chạy đến nhà máy sản xuất, còn sản phẩm không tự chạy ra các cửa hàng, mà phải phụ thuộc vào hoạt động của các doanh nghiệp vận tải). Rõ ràng, khi giá xăng dầu giảm thì chi phí đầu vào của sản xuất và dịch vụ cũng giảm, kéo theo giá hàng hóa giảm, từ đó sẽ kích thích tiêu dùng (nếu là hàng hóa xuất khẩu thì sẽ tăng khả năng cạnh tranh). Vì vậy, rất cần các ngành, cơ quan chức năng nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung những khiếm khuyết trong các văn bản pháp quy về vấn đề quản lý giá cước vận tải; đồng thời có những giải pháp hữu hiệu để sớm đưa lợi ích từ việc giảm giá xăng dầu vào quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.