Doanh nghiệp gặp khó vẫn không bỏ rơi người lao động

15:35, 10/10/2015

Thời gian gần đây, do chịu tác động xấu từ thị trường thế giới và khu vực, các doanh nghiệp (DN) nội địa gặp không ít khó khăn, trở ngại trong sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết các DN địa phương (nhất là những đơn vị hoạt động trong ngành khai khoáng, luyện kim và vật liệu xây dựng) đều trong tình cảnh ảm đạm. Tuy nhiên, có một điều rất đáng ghi nhận là dù khó khăn chồng chất nhưng nhiều DN vẫn cố gắng giữ chân người lao động, không để họ chịu thiệt thòi…

Nếu tiến hành khảo sát thực tế hoạt động khai khoáng, luyện kim trên địa bàn tỉnh trong thời điểm này chắc chắn sẽ cho thấy kết quả không mấy khả quan. Đó là điều dễ hiểu, bởi thị trường sắt thép, kim loại và vật liệu xây dựng đang có những biến động thất thường. Các DN luyện kim sản xuất cầm chừng do giá bán quá thấp so với chi phí đầu vào, trong khi nhiều DN cung cấp nguyên liệu lại “đắp chiếu” khoáng sản. Hơn nữa, các DN nội địa lại đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm sắt thép giá rẻ của Trung Quốc ngay trên “sân nhà”. Trước những khó khăn đó, một số DN đã phải tạm dừng hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cá biệt có DN phá sản khiến người lao động lao đao. Ở vào tình cảnh này mới thấy được DN nào có khả năng vượt khó để trụ vững trên thị trường và DN nào chung thủy, không bỏ rơi người lao động.

 

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là đơn vị chúng tôi muốn nhắc đến đầu tiên, bởi lẽ đây là DN khai khoáng, luyện kim đứng đầu trên địa bàn tỉnh và đang có tới hơn 5.000 lao động làm việc tại đây. Những tác động xấu của thị trường sắt thép, kim loại thời gian qua đối với DN này là rõ nét nhất, khiến nhiều tháng liền đơn vị phải chịu lỗ. Theo lãnh đạo Công ty, hiện nay giá phôi thép của Trung Quốc bán trên thị trường rẻ tới mức không thể cạnh tranh được và giá thép cán của họ chỉ bằng giá phôi của ta. Nếu DN cứ tổ chức luyện phôi thì chỉ hòa hoặc lỗ vốn. Tuy nhiên, để bảo đảm việc làm cho hàng trăm lao động, Công ty chỉ đạo Nhà máy Luyện thép Lưu Xá vẫn phải vận hành đều đặn, dù công suất có giảm từ 35 nghìn tấn/tháng xuống còn 20-30 nghìn tấn thì lương trung bình của công nhân vẫn giữ ở mức ổn định 5,6 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo ông Vũ Thượng Thư, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nếu đơn vị nào trong Công ty buộc phải sụt giảm sản lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động thì Công ty sẽ có phương án bù đắp tiền lương, tránh để công nhân phải chịu thiệt... Được biết trong năm nay, một số bộ phận thuộc Công ty phải tạm dừng sản xuất, nhưng không vì thế mà đơn vị cắt hợp đồng hoặc không quan tâm đến người lao động. Số lượng lao động hiện nay có đôi chút sụt giảm so với năm ngoái nhưng không phải do Công ty thiếu quan tâm hoặc buộc thôi việc, mà chủ yếu là nghỉ chế độ theo quy định. Điều đáng nói ở Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là dù khó khăn như vậy nhưng môi trường lao động, sinh hoạt của công nhân vẫn luôn được coi trọng. Công ty đang triển khai thực hiện phương châm xây dựng "6 nhà" gồm: Nhà ăn ca tự chọn; nhà tắm, giặt, sấy liên hoàn, có cả phòng xông hơi; nhà để xe trung tâm; nhà giao ca tập trung; nhà vệ sinh hiện đại và nhà máy công viên. Cùng với đó, đơn vị còn bố trí cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công nhân, người lao động đi tham quan, nghỉ mát; tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, thể thao, khám sức khỏe định kỳ...

 

Dù giá các loại nguyên nhiên liệu đầu vào cao, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, tạo việc làm cho công nhân tại Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm (Phú Lương). Ông Đặng Quang Minh, Giám đốc điều hành Nhà máy chia sẻ: Có lẽ cả miền Bắc hiện nay chỉ còn duy nhất đơn vị chúng tôi sản xuất và cung cấp xỉ ti tan ra thị trường bởi thời điểm này giá mặt hàng này giảm thấp. Để duy trì sản xuất, ổn định đời sống công nhân, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, tự chủ động sửa chữa máy móc, thiết bị, đồng thời đầu tư thay đổi công nghệ. Do vậy, lực lượng lao động vẫn duy trì đều đặn trên 100 người. Theo anh Lưu Quốc Hùng, Tổ trưởng Tổ Lò luyện thì mặc dù khó khăn nhưng Công ty vẫn duy trì mức lương ổn định cho công nhân với mức trung bình hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Mặt khác, các chế độ về bảo hiểm đều được đóng, chi trả đầy đủ theo quy định, không cắt giảm tiền thưởng. Do đó, anh em công nhân luôn yên tâm làm việc, cống hiến cho DN.

 

Với DN tư nhân Việt Cường (Đồng Hỷ) cũng vậy. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nên DN chịu tác động mạnh từ những bất ổn của thị trường. Để giải quyết khó khăn, DN đã chuyển hướng đầu tư phát triển thêm một loại hình khác ngoài bê tông thương phẩm, đó là sản xuất gạch tuynel. Chính nhờ đầu tư nhà máy sản xuất gạch tuynel đã giúp DN không những không phải cắt giảm nhân công mà còn giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động. Từ chỗ chỉ có mấy chục nhân công, đến nay Doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho trên 100 người với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc DN cho biết, tới đây khi giai đoạn 2 của Nhà máy tiếp tục được đầu tư, chắc chắn sẽ giải quyết thêm gần 100 lao động địa phương.

 

Có thể thấy, trong khi còn không ít đơn vị, DN phải cắt giảm nhân công, nợ bảo hiểm, nợ lương công nhân thì lại có những đơn vị nỗ lực vượt khó, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Ai cũng biết, việc chăm lo cho người lao động trong lúc DN đang hưng thịnh là điều hiển nhiên, nhưng khi ở vào hoàn cảnh khó khăn mà vẫn cố gắng duy trì việc làm, không bỏ rơi công nhân là rất đáng quý. Cũng chính nhờ việc làm đó mà giúp người lao động thêm nhiệt tâm gắn bó cũng như sẵn sàng sống chết cùng DN.