Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Phú Bình đã tích cực huy động nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trên địa bàn huyện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ, phát triển các ngành nghề... Trong đó, chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo đã mang đến nhiều cơ hội thoát nghèo, giúp cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo tại địa phương.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo NHCSXH huyện, mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở xóm Đại An, xã Nga My. Trong ngôi nhà khang trang có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết trước kia, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo đặc biệt của xã. Cả nhà có 4 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, cuộc sống quanh năm túng quẫn, không đủ gạo ăn. Năm 2005, anh gặp tai nạn bị gãy chân, phải đi viện thường xuyên. Sau bốn lần mổ, chân anh đã đi lại được bình thường nhưng không thể đi làm những công việc nặng như trước đây. Trước tình cảnh đó, anh Lợi đã bàn với vợ, mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Phú Bình đầu tư vào xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn, bò. Đến nay, trung bình, mỗi năm trừ các chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng một trăm triệu đồng. Gia đình anh Lợi đã có của ăn của để, con cái được ăn học đầy đủ.
Cũng là hộ nghèo nhiều năm liền, chị Trần Thị Ninh, sinh năm 1976, ở xóm Trạng, xã Điềm Thụy, chồng mất sớm do mắc bệnh hiểm nghèo, một mình chị nuôi 2 con trưởng thành. Với ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu, đầu năm 2011, chị đã vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để chăn nuôi gần 100 con lợn và gà thịt. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết: Cho hộ cận nghèo, hộ nghèo vay vốn thì không chỉ người dân phấn khởi mà cán bộ cũng yên tâm, bởi có thêm cơ sở cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững hơn. Hàng năm, địa phương đã chủ động phối hợp với Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện để các tổ trưởng của các tổ tiết kiệm và vay vốn được tham gia các lớp tập huấn về quản lý nguồn vốn, hướng dẫn người dân sử dụng vốn hiệu quả…
Ông Trần Nhật Linh, Phó Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện là trên 24% thì đến năm 2015 đã giảm xuống còn 8,4%. Trong kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của chúng tôi, nhờ sự nỗ lực, làm việc nhiệt tình của các tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn ưu đãi đã đến với người dân nghèo và phát huy hiệu quả rõ rệt. Do đó, để từng bước nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc cho vay vốn mà trực tiếp là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, đơn vị đã tích cực phối hợp tổ chức tập huấn về công tác quản lý nguồn vốn, thu lãi, gốc, tư vấn sử dụng nguồn vốn vay. Qua các buổi tập huấn, những khó khăn, vướng mắc của các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn về công tác quản lý, kiện toàn hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn… đều được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH tháo gỡ, giải đáp cụ thể, kịp thời. Ngoài ra, NHCSXH huyện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra tại 100% các xã, thị trấn, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn vay. Ðặc biệt, thông qua các buổi giao dịch tại các xã, công tác tuyên truyền về những cơ chế, chương trình, chính sách mới của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện luôn được quan tâm. Nhờ đó, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời nắm bắt, triển khai và đưa nguồn vốn đến với các hộ nghèo, hộ chính sách đúng đối tượng, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt trên 300 tỷ đồng, với hàng nghìn khách hàng còn dư nợ ở các chương trình, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất kinh doanh là trên 134 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 50 tỷ đồng.
Để nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, duy trì hoạt động giao dịch tại các xã, thị trấn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm, tổ vay vốn…