Huyện Định Hóa hiện có 12 trang trại và trên 400 gia trại chăn nuôi với quy mô lớn, lượng chất thải phát sinh cũng tỷ lệ thuận với việc mở rộng quy mô chăn nuôi. Bởi vậy, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các trang trại, gia trại đang đang là vấn đề cần được quan tâm...
Mặc dù yếu tố hiệu quả kinh tế vẫn được các hộ dân đặt lên hàng đầu nhưng nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa đã quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đơn cử như trang trại chăn nuôi lợn của ông Lưu Đức Chiều và chị Lưu Thị Hà (con gái ông Chiều) ở xóm Khuôn Câm, xã Quy Kỳ. Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trang trại chăn nuôi lợn của hai bố con ông Chiều nằm trong khu vực đất rộng khoảng 1ha, cách xa nhà ở các hộ dân. Hiện nay, cả 2 trang trại này có 5 chuồng nuôi với tổng diện tích khoảng 2.000m2. Tại mỗi khu chuồng đều được bố trí hệ thống dẫn nước uống, nước tắm rửa, thoát nước thải và hầm biogas... Tương tự, mỗi lứa gia đình ông Ma Khánh Dũng, ở xóm Đồng Đau, xã Định Biên cũng nuôi từ 20 đến 35 con lợn thịt. Theo quan sát, tuy hệ thống chuồng trại của gia đình ông chưa được đầu tư xây dựng hiện đại nhưng chất thải chăn nuôi đã được xử lý qua hệ thống hầm biogas kết hợp với phương pháp ủ phân. Ông Dũng cho biết: Tới đây, gia đình tôi sẽ cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi và thực hiện xử lý chất thải bằng biện pháp "đệm lót sinh học". Đây là biện pháp xử lý chất thải khá hiệu quả, giảm thiểu đáng kể mùi hôi...
Những năm gần đây, huyện Định Hóa đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn và tập huấn các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường còn xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND huyện thành lập các tổ công tác thực hiện từ 1 đến 2 đợt kiểm tra thực trạng ô nhiễm ở các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Đoàn đã tiến hành đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường ở từng trang trại, gia trại, yêu cầu các hộ chăn nuôi thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo đánh giá, nhiều hộ hiện vẫn chưa chú trọng đến việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết các hộ chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas. Tuy nhiên, thể tích của hầu hết các hầm biogas đều nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu xử lý khối lượng chất thải lớn phát sinh, khiến chúng chảy tràn ra ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống biogas ở nhiều hộ không có bể lắng mà xả trực tiếp ra mương thoát nước, ruộng, ao cá, đường giao thông... Nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi nằm xen kẽ các khu dân cư, có quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình xử lý chất thải đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại, gia trại hiện nay là do nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân chưa cao. Việc đầu tư xử lý chất thải chưa được chú trọng, hệ thống chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường. Quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi cũng chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức.
Ông Lý Văn Thắng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong chăn nuôi, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở các trang trại, gia trại là điều khó tránh khỏi. Bởi vậy, ý thức và trách nhiệm của các hộ chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường là rất quan trọng. Bởi vậy, hằng năm, Phòng Tài nguyên và Môi trường đều tham mưu UBND huyện thành lập các tổ kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi. Qua đó, chúng tôi đã ra thông báo, yêu cầu các hộ mở rộng và cải tạo các công trình xử lý chất thải bằng hầm biogas, kết hợp với biện pháp ủ phân khi khối lượng chất thải lớn để nâng cao hiệu xuất xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, huyện cần có những cơ chế, giải pháp đưa dần các hộ chăn nuôi vào vùng đã được quy hoạch, từng bước hạn chế, tiến tới không cho phép chăn nuôi trang trại, gia trại trong các khu dân cư; có các chính sách cụ thể khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi...