Những năm gần đây, hình thức chăn nuôi gia súc của người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung, mang tính hàng hóa đã hình thành đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đã có những thời điểm Võ Nhai là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về số lượng chăn nuôi trâu, bò, nhiều gia đình chăn thả hàng chục con trâu, nhưng chủ yếu sử dụng để lấy sức kéo. Từ những năm 2003 trở lại đây, khi mà người dân đẩy mạnh cớ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp (toàn huyện có gần 6.000 chiếc máy cày, máy kéo các loại), cùng với diện tích chăn thả bị thu hẹp để nhường chỗ cho trồng rừng sản xuất thì số lượng trâu bò của huyện đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng đàn trâu bò của huyện Võ Nhai đã phục hồi và tăng đáng kể, với tổng đàn từ gần 5.000 con (năm 2013) lên 8.000 con (năm 2015). Trong đó, số lượng đàn trâu là 6.250, bò gần 1.500 con. Sở dĩ, chăn nuôi gia súc lớn của của huyện phát triển nhanh như vậy là do mục đích chăn nuôi của người dân đã có thay đổi, từ sử dụng sức kéo sang chăn nuôi theo hình thức hàng hóa. Chị Hoàng Thị Nghiên, ở xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường cho biết: Trước đây, gia đình tôi chăn hàng chục con trâu chủ yếu là thả rông vào rừng, chỉ khi đến mùa mới tìm về để kéo cày. Hiện tại, gia đình nuôi 4 con trâu cái để sinh sản và 2 trâu nghé. Hai năm trở lại đây, gia đình đã bán được 4 con trâu cho thương lái, thu nhập từ nuôi trâu được 40-50 triệu động/năm. Không những vậy, việc chăn nuôi trâu, bò cũng tạo ra nguồn phân chuồng tốt để bón cho cây trồng, từ đó hạn chế chi phí khi phải mua phân hóa học…
Bên cạnh mục đích chăn thả, hình thức chăn nuôi đã có sự thay đổi, từ chăn thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ voi và tận dụng cây ngô làm thức ăn đã đã giúp hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi được cải thiện hơn hẳn. Với cách làm này, người dân vừa đỡ tốn công, đồng thời việc chăm sóc, phòng dịch bệnh tốt hơn. Bà Lê Thị Tươi, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá cho biết: Hiện tại, nhà tôi chăn 7 con trâu nên đã tận dụng hơn 1 sào đất ven suối để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu. Mỗi sáng cắt 1 bó cỏ chăn trâu thì chiều chỉ cần thả ở bãi khoảng 2 tiếng đồng hồ là đủ. Trong khi đó, trước đây cứ thả vào rừng nên vào mùa đông khi xuất hiện sương muối khiến đàn đàn trâu thường bị bệnh sưng chân. Hiện nay, hầu hết người dân vùng này đều trồng cỏ voi, bên cạnh đó tận dụng lá ngô và bột ngô để chăn bổ sung…
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT Võ Nhai: Với hình thức chăn nuôi mới này, việc chăm sóc, phòng dịch bệnh cho trâu bò của người dân tốt hơn rất nhiều. Cùng với việc chủ động của người dân, trong những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã tích cực khuyến khích mở diện tích trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn và hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi. Chỉ tính riếng năm 2015, huyện Võ Nhai và dự án Ngân hàng bò của Hội Chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ hơn 100 con trâu và bò giống cho những hộ nghèo. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 200 hộ dân nuôi từ 15-20 con trâu..
Việc người dân và các cấp chính quyền của huyện Võ Nhai đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc lớn theo hướng hàng hóa đã phát huy hiệu quả kinh tế tốt, tạo thêm việc làm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương...