Nhiều doanh nghiệp vận tải chưa đăng ký và giảm giá cước

08:11, 01/10/2015

Mặc dù theo quy định sau 5 ngày đăng ký kê khai lại giá cước với cơ quan chức năng, các doanh nghiệp (DN) vận tải phải thực hiện bán vé theo giá mới đăng ký song nhiều DN đã không nghiêm túc thực hiện, với vô số lý do khác nhau. Thực trạng này không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng lâu nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra để giải quyết triệt để, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng…

Theo thống kê của Sở Tài chính, toàn tỉnh hiện có 51 DN kinh doanh vận tải, trong đó có 28 DN kinh doanh taxi, 19 DN kinh doanh xe khách tuyến cố định, 4 DN kinh doanh xe buýt (một số DN kinh doanh cả 3 loại hình vận tải). Trước việc giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh giảm, ngày 3-9 vừa qua, Sở Tài chính đã có công văn gửi các DN kinh doanh vận tải trên địa bàn yêu cầu đăng ký kê khai giảm giá cước. Tính đến ngày 23-9, đã có 30 DN thực hiện việc đăng ký kê khai lại, trong đó chủ yếu được thực hiện trước ngày 15-9.

 

Trong số 3 loại hình vận tải trên, DN kinh doanh taxi có số lượng đăng ký kê khai nhiều nhất, với hơn 20 DN, còn lại là vận tải hành khách tuyến cố định. Riêng xe buýt, không có DN nào đăng ký kê khai lại giá với lý do mức lợi nhuận của loại hình vận tải này vốn không cao. Qua khảo sát của chúng tôi, đối với loại hình vận tải bằng taxi, về cơ bản, các DN đã thực hiện tương đối nghiêm túc theo đúng giá và thời gian đã đăng ký, với mức giảm phổ biến 1.000 đồng/km (từ km thứ 2 trở đi), tương ứng với tỷ lệ giảm 7-10%. Song, đối với loại hình xe khách thì mới có một số DN thực hiện theo đăng ký.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Nguyệt, Kế toán trưởng Bến xe Khách Thái Nguyên cho biết: Tính đến ngày 30-9, Bến xe mới nhận được hồ sơ giảm giá vé của 20 DN kinh doanh vận tải, với tổng số 48 tuyến, trong đó có 14 DN ngoài tỉnh, 6 DN trong tỉnh (với 34 tuyến giảm), gồm: Công ty CP Dịch vụ vận tải ô tô số 10, Công ty CP Thương mại vận tải và du lịch Khánh Thịnh, Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, HTX Vận tải ô tô Tân Phú, Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Hà và Công ty CP Vận tải du lịch thương mại Phong Dung. Do theo quy định, các DN chỉ phải nộp hồ sơ kê khai lại giá cước với Sở Tài chính, Sở Giao thông – Vận tải và Cục Thuế tỉnh nên Bến xe không thể biết có bao nhiêu DN đăng ký kê khai giảm, giảm ở những tuyến nào và mức giảm là bao nhiêu để có thể yêu cầu DN thực hiện theo đúng như cam kết.

 

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Tài Chính, một số DN như Công ty CP Tập đoàn Nam Việt Vịnh, Công ty CP Thương mại và Du lịch Việt Vịnh, DN Tư nhân Thường Lan… đã tiến hành việc đăng ký lại giá cước từ giữa tháng 9 nhưng vẫn chưa thực hiện theo đăng ký. Khi được hỏi tại sao chưa thực hiện bán vé như giá cước đã đăng ký thì lãnh đạo nhiều DN đã đưa ra không ít lý do khác nhau để biện minh cho sự chậm trễ này, như: Kế toán DN do bận việc gia đình nên quên; DN đang in vé mới chưa xong nên phải  đầu tháng 10 này mới thực hiện được… Cá biệt, có DN mặc dù còn chưa thực hiện cả việc đăng ký kê khai lại giá cước nhưng vẫn một mực khẳng định là đã gửi hồ sơ kê khai lại phương án giá với cơ quan chức năng và đã giảm giá vé theo đăng ký. Cũng có DN khi chúng tôi hẹn đến làm việc thì mới lập tức cử cán bộ đến Bến xe để nộp phương án bán vé mới theo mức giá đã kê khai…

 

Theo tính toán của cơ quan Tài chính, chi phí cho xăng dầu thường chiếm từ 30-40% giá thành vận tải (tùy loại xe). Với việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm nhiều lần trong thời gian qua thì so với tháng 1-2015 (thời điểm các DN đồng loạt kê khai lại giá cước gần nhất) hiện giá xăng, dầu giảm trung bình là 20%. Với tỷ lệ giảm này, giá cước vận tải có thể giảm từ 6-8%. Tuy nhiên, do giá thành vận tải còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tiền lương, bảo hiểm, khấu hao tài sản, phí, lệ phí… nên việc điều chỉnh giá cước ở mỗi DN cũng như mỗi tuyến đường có thể cao thấp khác nhau. Trong đợt đăng ký điều chỉnh đợt này, loại hình vận tải xe khách có mức giảm trung bình từ 4-5%, cá biệt có tuyến lên tới 11-14%. Tuy nhiên, bên cạnh những DN đã đăng ký kê khai lại và giảm giá cước theo mức đã đăng ký, cũng có những DN trong tháng 9 này không điều chỉnh lại giá cước hoặc chỉ điều chỉnh một số tuyến để mức giá tương đương với DN khác, với lý do mức giá hiện tại được giữ ổn định từ nhiều năm nay. Lại có những DN cố tình không thực hiện việc đăng ký kê khai lại theo quy định của cơ quan Nhà nước.

 

Thiết nghĩ, việc Nhà nước điều chỉnh kịp thời giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm so với giá xăng dầu thế giới là để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, DN và người dân. Trong khi sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu cao thì hầu hết các DN kinh doanh vận tải đều ngay lập tức điều chỉnh tăng theo, vậy nhưng khi giá xăng dầu giảm thì với nhiều lý do khác nhau, nhiều DN lại cố tình trì trễ việc đăng ký kê khai lại và không thực hiện việc giảm giá cước. Thực tế này rất cần sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhất là đối với Ngành Tài chính và Giao thông - Vận tải để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.