Những vùng chè dưới chân Tam Đảo

08:00, 03/10/2015

Nằm dưới chân núi, xen giữa các dòng suối trong mát chảy ra từ Vườn Quốc gia Tam Đảo là những nương chè xanh mướt của huyện Đại Từ. Có lẽ do được hấp thụ tinh tuý của khí trời nơi núi rừng nên những nương chè nơi đây không chỉ xanh tốt quanh năm, đạt năng suất cao mà còn có hương vị, ấn tượng riêng biệt khó quên.

Một ngày giữa Thu, chúng tôi một lần nữa trở về xã La Bằng, vùng chè dưới chân Tam Đảo được nhiều người biết đến. Thời tiết về Thu cộng với không khí trong lành của miền sơn cước khiến lòng người lâng lâng, khoái lạc. Đi qua UBND xã, chúng tôi về xóm Kẹm, nơi giáp chân núi Tam Đảo có đầu nguồn dòng suối La Bằng chảy len lách qua những vạt chè trù phú. Giữa những nương chè ấy, người dân đang nhanh tay hái, cười nói rộn ràng một vùng. Ông Triệu Tiến Vượng, một vị cao niên ở xóm Kẹm, xã La Bằng cho biết: Cây chè đã bén rễ trên miền đất này hơn nửa thế kỷ. Có lẽ hợp đất, hợp lòng người, nên cây chè cứ trồng là mọc xanh tốt, vươn búp xanh nõn, không tốn nhiều công chăm bón. Trà La Bằng cũng vương vất hương thơm của núi rừng, vị mát, thanh của mạnh ngầm hoà vào với đất mẹ.

 

Không chỉ có La Bằng, nằm dưới chân núi Tam Đảo còn có nhiều vùng chè ngon có tiếng như: Hoàng Nông, Phú Xuyên, Mỹ Yên, Quân Chu, Minh Tiến, Văn Yên… Qua hàng nghìn năm kiến tạo, mảnh đất dưới chân ngọn núi này được bồi đắp màu mỡ và tưới mát bằng nguồn nước trong lành chảy ra từ lòng đất mẹ rất phù hợp để phát triển cây chè. Trong đó, vùng chè Quân Chu đã được đầu tư phát triển từ vài chục năm trước đây để làm nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chè Quân Chu. Còn các vùng chè Phú Xuyên, Hoàng Nông đang ngày càng khẳng định vị thế là vùng chè phụ cận xã La Bằng tạo nên nguồn cung nguyên liệu dồi dào và ổn định. Ông Hoàng Văn Thành, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Cũng vì có chung điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mà nhiều xã nằm dưới chân núi Tam Đảo có chất lượng chè ngon đồng đều. Điều kiện khí hậu ở đây mát mẻ, mùa hè nhiệt độ thường thấp hơn nhiệt độ trung bình của tỉnh nên cây chè sinh trưởng, phát triển thuận lợi hơn.

 

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển cây chè tại các vùng có thế mạnh, huyện Đại Từ đã tích cực đưa các giống chè lai như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên… vào sản xuất và những vùng chè ven dãy Tam Đảo cũng được quan tâm hỗ trợ. Giai đoạn 2012-2014, huyện hỗ trợ 100%, năm 2015, hỗ trợ 50% giá giống để trồng mới, trồng thay thế chè bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao; huyện cũng hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn quy trình sản xuất chè an toàn, tạo điều kiện để các hợp tác xã, làng nghề tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng chè và phát triển làng nghề chè. Các xã Minh Tiến, Hoàng Nông, Văn Yên đã được đầu tư 3 hồ nước đảm bảo nước tưới cho hàng trăm ha chè. Huyện cũng phối hợp với Ban quản lý Dự án QSEAP (Sở Nông nghiệp và PTNT) thực hiện dự án nâng cao chất lượng sản xuất chè an toàn trên diện tích tại xã La Bằng, trong đó có nhà đóng gói, đường giao thông, đập dâng và hệ thống tưới cho chè; tổ chức hoạt động du lịch kết nối vùng chè với danh lam thắng cảnh của Vườn Quốc gia Tam Đảo.

 

Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đối với việc hỗ trợ kinh phí giống chè, cơ sở vật chất, quảng bá thương hiệu, huyện không có ưu tiên đặc biệt đối với những vùng chè ven núi Tam Đảo. Tuy nhiên, về phát triển vùng chè kết hợp du lịch sinh thái, những vùng này đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn về hệ thống đường giao thông và các làng du lịch sinh thái như xã La Bằng đã được đầu tư xây dựng không gian văn hoá trà. Ngoài ra, do khu vực này có điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao chất lượng chè nên huyện cũng quan tâm áp dụng kỹ thuật chăm sóc, chế biến sâu, triển khai mô hình chè an toàn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất chè chất lượng cao.

 

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, diện tích chè giống mới, giá trị trên 1ha đất trồng chè và thu nhập của người dân tại các vùng chè ven Vườn Quốc gia Tam Đảo tăng lên đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ diện tích chè bằng các giống có năng suất, chất lượng cao như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… đạt gần 60% tổng diện tích, năng suất chè búp khô của huyện đã đạt 115 tạ/ha, tăng 13 tạ/ha so với năm 2011, giá trị trên 1ha đất trồng chè đạt 102 triệu đồng/ha tăng 27 triệu đồng so với năm 2011. Sản phẩm chè Đại Từ đã có tiếng trong và ngoài tỉnh với giá bán trung bình nâng lên 200 đến 300 nghìn đồng/kg chè khô (tăng 100 nghìn đồng/kg so với năm 2011).

 

Chuẩn bị cho Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, cùng với nhân dân trong tỉnh, bà con ở các vùng chè dưới chân Tam Đảo đang gấp gáp sửa sang nương chè, trang trí nhà cửa, chuẩn bị sản phẩm chè ngon nhất để du khách đến thăm, thưởng thức. Với những tiềm năng sẵn có và thế mạnh của vùng đất truyền thống, Festival Trà lần này những địa phương ven Vườn Quốc gia Tam Đảo tiếp tục hứa hẹn mang đến nhiều sản phẩm hấp dẫn.