Những năm gần đây, T.X Phổ Yên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển. Trong đó, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công đã góp phần quan trọng giúp các cơ sở sản xuất, làng nghề, làng nghề truyền thống mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (SXKD), nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân...
Thôn Giã Trung, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên) trước đây là một thôn nghèo. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nên thu nhập và đời sống của người dân đã có sự thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, cả thôn có gần 200 cơ sở sản xuất (doanh thu mỗi năm đạt khoảng 50 tỷ đồng), tạo việc làm thường xuyên cho hơn 700 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Đồng chí Dương Văn Hiến, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Nhờ sự hỗ trợ từ đề án khuyến công nên bà con có thêm vốn đầu tư mở xưởng, mua sắm máy móc thiết bị và áp dụng công nghệ mới. Đến nay, trong thôn có gần 50 cơ sở lắp đặt máy xẻ và máy đục mỹ nghệ vi tính phục vụ sản xuất. Từ đó, giá trị sản phẩm của làng nghề được nâng lên, từng bước tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn từ đề án khuyến công, anh Lê Văn Dũng ở thôn Giã Trung cho biết: Năm 2015, được hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công, gia đình tôi đã quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng mua máy chạm khắc gỗ công nghệ tiên tiến. Tuy mới đưa máy vào hoạt động không lâu, song những tiện ích của công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm tạo ra có sức cạnh tranh cao trên thị trường…
Giã Trung là một điển hình trong nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề ở T.X Phổ Yên có bước phát triển rõ nét nhờ được tiếp sức từ các đề án khuyến công. Trong 5 năm gần đây, Thị xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh (Sở Công Thương) triển khai thực hiện được 24 đề án khuyến công. Các đề án này đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, 9 hộ kinh doanh, 6 làng nghề truyền thống với tổng kinh phí trên 2,54 tỷ đồng, trong đó có 14 đề án hỗ trợ máy móc thiết bị (với tổng kinh phí 1,42 tỷ đồng) cho các đơn vị như: Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đoàn Thế Vỹ, Công ty TNHH Nam Việt, Công ty CP Quân Thành, Công ty CP Ngoại thương Việt Thái...
Bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và làng nghề tháo gỡ khó khăn về vốn, máy móc thiết bị, các đề án còn tập trung vào việc đào tạo nghề cho lao động địa phương. Tính đến nay, Thị xã đã triển khai 3 đề án đào tạo nghề với 7 lớp đào tạo nghề cho 350 lao động tại các đơn vị: HTX May công nghiệp Tân Bình Minh, Công ty cổ phần Vạn Tài, Công ty CP Ngoại thương Việt Thái, tổng kinh phí là 243 triệu đồng. Ngoài ra, Thị xã cũng đã thực hiện 1 đề án đăng ký thương hiệu sản phẩm với tổng kinh phí là 30 triệu đồng cho Công ty TNHH Nguyệt Thắng và 6 đề án công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống với tổng kinh phí là 855 triệu đồng gồm các làng nghề chè truyền thống thuộc các xã: Thành Công, Phúc Thuận, Minh Đức.
Có thể khẳng định, các đề án khuyến công thực sự là đòn bẩy, khuyến khích các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn và chuyển dịch lao động trên địa bàn Thị xã. Riêng đối với các đề án xây dựng, đăng ký thương hiệu đã góp phần giúp các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của thị xã, giải quyếtviệc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần đáng kể vào việc đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Thị xã đạt 147.546 tỷ đồng.
Với mục tiêu phát triển mạnh ngành công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, thu hút thêm vốn trong dân, khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ mới, duy trì, mở rộng phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, thời gian tới, T.X Phổ Yên sẽ nâng mức hỗ trợ từ các nguồn vốn khuyến công cho các đề án hỗ trợ mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm ô nhiễm môi trường nhằm xây dựng Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp hiện đại.