Góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển

10:06, 08/12/2015

Những năm gần đây, trước sự tăng trưởng với tốc độ cao, nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi nguồn vốn từ ngân sách chi cho lĩnh vực này không nhiều, chỉ ưu tiên một số dự án đặc biệt cấp bách và quan trọng. Do đó, việc ra đời Quỹ Đầu tư phát triển được xem là rất cần thiết, góp phần đáp ứng các nhu cầu đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương...

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 83/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm phấn đấu đạt 10%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 8-9%/năm…), toàn tỉnh cần huy động các nguồn vốn đầu tư là 127,7 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, cần có sự tham gia đầu tư từ nhiều nguồn lực. Trước thực tế này, xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển được xem là một trong những giải pháp quan trọng để tập trung các nguồn lực tài chính hợp pháp, giải quyết kịp thời khó khăn về nguồn vốn, bảo đảm một phần nguồn lực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, chủ động hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực cần sự hỗ trợ của Nhà nước, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH trong giai đoạn 2016-2020…

 

Trong điều kiện hiện nay của tỉnh, nếu được thành lập, Quỹ Đầu tư phát triển sẽ được gộp vào Quỹ Phát triển đất trên cơ sở kiện toàn lại bộ máy Quỹ Phát triển đất đã có, bổ sung thêm nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển và thực hiện nhiệm vụ của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (do UBND tỉnh thành lập) về một quỹ chung quản lý, vừa bảo đảm yêu cầu khi thành lập tổ chức đơn vị mới nhưng không làm tăng biên chế và tăng chi phí ngân sách của tỉnh, với tên gọi “Quỹ Đầu tư và phát triển đất tỉnh Thái Nguyên”. Quỹ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước, hạch toán độc lập, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, bảo toàn vốn, có lợi nhuận, ngân sách không phải cấp kinh phí cho bộ máy Quỹ hoạt động… Như vậy, vừa đúng chủ trương của Chính phủ trong thực hiện cải cách hành chính, giảm các đầu mối quản lý, đơn giản về bộ máy, hiệu quả trong điều hành và quản lý, tiết kiệm vốn, nhân lực, vật lực...

 

Việc thành lập Quỹ Đầu tư và phát triển đất của tỉnh thành một tổ chức tài chính trung gian là cầu nối giữa chính sách khuyến khích đầu tư phát triển của Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giúp UBND tỉnh có thêm công cụ tài chính để huy động và đầu tư trực tiếp các dự án kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện đầu tư các dự án theo Nghị quyết của tỉnh, tăng khả năng tiếp cận với các tổ chức tín dụng; tạo nguồn để phát triển quỹ đất sạch, quỹ đất chuyên dùng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án quan trọng, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện của dân do công tác đền bù không thỏa đáng hoặc không kịp thời. Với hoạt động đầu tư, cho vay đầu tư và thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, hàng năm, Quỹ gián tiếp tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 5.000 lao động trong các doanh nghiệp; làm phong phú, đa dạng hoạt động dịch vụ tài chính - tín dụng trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Vốn điều lệ của Quỹ là 200 tỷ đồng, trước mắt, khi mới thành lập, sẽ được cấp 100 tỷ đồng, trong đó có 50 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, 50 tỷ đồng được chuyển từ Quỹ Phát triển đất sang. Hàng năm, căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh, UBND tỉnh cân đối trong dự toán ngân sách, trình HĐND tỉnh để bổ sung vốn cho Quỹ theo quy định. Ngoài ra, vốn điều lệ còn tự được bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ. Quỹ hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự bù đắp chi phí hoạt động. Nếu việc thành lập Quỹ được thông qua tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII, dự kiến Quỹ sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2016.

 

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn của Quỹ, đối với việc đầu tư trực tiếp, do mới thành lập nên trong năm 2016 chưa đủ điều kiện đầu tư trực tiếp; dự kiến từ năm 2017 mới triển khai đầu tư trực tiếp 1 dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị. Còn với việc cho vay đầu tư các dự án, trên cơ sở vốn điều lệ và các nguồn vốn huy động được, dự kiến từ quý II/2016 và năm 2017, Quỹ sẽ thực hiện tìm đối tác cho vay đầu tư thuộc các lĩnh vực: Giao thông, cấp nước, nhà ở đô thị, khu dân cư, sắp xếp lại cơ sở sản xuất; xử lý rác thải của các huyện, thành, thị; các dự án vay để đầu tư, giải phóng mặt bằng phát triển quỹ đất… Riêng với việc góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế, dự kiến từ quý III/2016 sẽ bắt đầu góp vốn vào những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, thời gian thu hồi vốn nhanh.

 

Hy vọng, với việc ra đời Quỹ Đầu tư phát triển, tỉnh ta sẽ có thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển KT-XH để sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

 

Theo niên giám thống kê tỉnh, tổng chi phí đầu tư trên địa bàn trong năm 2012 là 13,26 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách tập trung đạt 4,219 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội); năm 2013 là 30,9 nghìn tỷ đồng (vốn ngân sách chiếm 12,5%); năm 2014 là 36,4 nghìn tỷ đồng (vốn ngân sách chiếm 11%). Từ số liệu thống kê cho thấy, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh năm sau luôn cao hơn năm trước thì nguồn vốn từ ngân sách lại không nhiều.