Còn khoảng hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại các nhà vườn trồng quất cảnh ở xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), mọi công việc chuẩn bị xuất bán những chậu quất cảnh đã được hoàn tất.
Có dịp về xóm Bến Đò vào giữa tháng 12 này, chúng tôi cảm nhận một mùa xuân mới đang đến rất gần, bởi đồng đất nơi đây đang được phủ bạt ngàn màu xanh của những cây quất cảnh với đủ các thế, dáng, quả mọng trĩu cành, căng tràn sức sống. Tại các nhà vườn, người dân đang tích cực chăm sóc vườn quất với mong muốn cung cấp cho thị trường Tết những chậu quất cảnh đẹp nhất, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Quốc Quang, quê gốc ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), đã lên Thái Nguyên trồng quất cảnh từ 3 năm nay. Ông Quang cho biết: Trong một lần vào thăm nhà người bạn ở xã Thịnh Đức, nhận thấy chất đất ở đây rất phù hợp để cây quất sinh trưởng, phát triển nên ông đã mang nghề trồng quất cảnh từ Hưng Yên lên Thái Nguyên gây dựng. Ban đầu, ông chỉ trồng khoảng 200 gốc quất, thấy thị trường có tiềm năng, hai năm trở lại đây, ông đã nhân rộng vườn quất của mình lên 500 gốc trên 7 sào đất. Cùng ông Quang đi thăm vườn quất, chỉ tay vào những dấu sơn xanh, đỏ, trắng, vàng... được đánh dấu trên mỗi cây, ông cho biết: “Từ đầu tháng tới nay, ngày nào cũng có người vào hỏi mua quất cảnh bán Tết. Vườn quất của gia đình tôi có khoảng 500 gốc thì 300 gốc đã được “dân buôn” đặt cọc trước 50%, mua hết từ tháng trước. 200 gốc còn lại, tôi giữ lại để gần Tết mang ra trung tâm Thành phố bán, vừa là tìm hiểu xu hướng thị trường, vừa là để người dân biết đến vườn quất cảnh của gia đình. Trừ hết chi phí, trung bình một năm, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ trồng và bán quất cảnh”.
Ông Quang cho chúng tôi biết thêm: Thời gian này, việc cung cấp đủ nước cho cây quất là rất quan trọng bởi thời tiết khô hanh và có nắng. Trung bình một ngày phải tưới một lần, tuy nhiên lượng nước tưới không quá nhiều và đẫm. Nếu thời tiết có sương muối thì nên tưới nước vào buổi sáng cho cây là tốt nhất. Ngoài ra, lượng phân bón (chủ yếu là phân NPK, đầu trâu và đỗ tương nghiền ra để bón cho cây) cũng phải tăng gấp 3 lần so với trước để cây quất được xanh hơn. Anh Nguyễn Công Hoan, ở tổ dân phố 2, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ), người mua quất cảnh cho biết: Tôi làm nghề buôn quất cảnh bán phục vụ Tết đã được 4 năm nay. Những năm trước, tôi thường mua quất ở Hưng Yên về Thái Nguyên để bán, giá thuê xe vận chuyển cao nên lãi không được mấy. Hai năm nay, năm nào tôi cũng về vườn quất cảnh của ông Quang để mua, tôi thấy vườn quất của ông Quang cây đều và đẹp, giá cả hợp lý nên đã đặt mua từ trước đó khoảng một tháng.
Được biết, ông Quang là một trong những người đầu tiên trồng quất cảnh trên đất Thịnh Đức. Ngoài việc chăm sóc cho vườn quất của gia đình, những hộ trong xã có nhu cầu muốn phát triển nghề này đều được ông truyền đạt kinh nghiệm rất nhiệt tình. Năm nay, ngoài những cây quất cảnh với thế và dáng phong phú, ông còn đưa ra thị trường khoảng 30 chậu cam đường canh với giá bán giao động từ 800 nghìn đồng đến 5 triệu đồng/cây.
Rời gia đình ông Quang, chúng tôi đến gia đình anh Đỗ Văn Giang. Anh Giang mới trồng quất cảnh năm nay được 2 năm nhưng nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm trên sách, báo và từ những người có kinh nghiệm trong xóm, nên vụ này đã mạnh dạn nhân rộng diện tích trồng quất cảnh từ 100 cây (năm 2014) lên 230 cây. Anh Giang thông tin: Năm nay thời tiết thuận lợi với cây quất, quả ra đều và đẹp, quả vàng bắt đầu lác đác trên các cây, từ nay đến Tết quả sẽ vàng đều. Vườn quất của gia đình tôi chủ yếu là quất một năm có giá trung bình từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cây. Trừ chi phí, dự kiến năm nay sẽ cho thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Đã có nhiều khách vào đặt mua hết cả vườn nhưng tôi không bán vì đã đặt chỗ ở đường Nha Trang (T.P Thái Nguyên) từ tháng trước để bán lẻ với mong muốn nhiều người sẽ biết đến vườn quất của gia đình nhiều hơn...
Ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho biết: Nghề trồng quất cảnh mới phát triển ở Thịnh Đức mấy năm trở lại đây, tập trung chủ yếu ở xóm Bến Đò, Ao Miếu và Đức Cường. Trước đây, bà con trong xã trồng quất chủ yếu là để lấy quả bán, nhưng mấy năm trở lại đây nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng quất cảnh bán vào dịp Tết Nguyên đán, thu nhập cao hơn nhiều so với bán quả. Diện tích quất cảnh của xã năm 2014 chỉ khoảng 4ha nhưng năm nay đã tăng lên 8ha do nhiều hộ dân học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền tới bà con đăng ký chuyển đổi diện tích đất màu, đất một lúa năng suất thấp sang trồng quất cảnh và cây ăn quả để nâng cao thu nhập, đồng thời xây dựng vùng chuyên canh cây cảnh và cây ăn quả với quy mô 30ha để đưa Thịnh Đức trở thành xã trọng điểm về nông nghiệp của Thành phố...
Như thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, mỗi gia đình đều sắm một cây quất cảnh hay một cành đào trong nhà với hy vọng nhiều may mắn và tài lộc. Với lợi thế gần trung tâm Thành phố, giá vận chuyển thấp hơn nhiều so với ở nơi khác chuyển đến, cây vận chuyển quãng đường ngắn nên vẫn giữ được dáng và màu xanh của lá. Hy vọng, vườn quất cảnh của người dân xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức sẽ ngày càng có nhiều người dân trong và ngoài tỉnh biết đến...