Năm 2015, vừa tròn 15 năm kể từ khi nền kinh tế Việt Nam tham gia vào sân chơi của các khối mậu dịch tự do quốc tế với sự kiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết vào tháng 7-2000, tiếp đến là gia nhập Tổ chức thương mại thế giới -WTO (tháng 11-2006) và một loạt các hiệp định thương mại khác với các khối mậu dịch khu vực và thế giới như TPP, EVFTA,… đã mở ra con đường hội nhập sâu rộng cho cả nền kinh tế, trong đó lĩnh vực trụ cột là nông nghiệp đã ghi nhận những đổi thay ngoạn mục.
Có thể nói, trong tiến trình hòa nhập kinh tế quốc tế, BTA luôn được xem như là cánh cửa mà nền kinh tế Việt Nam, trong đó có trụ cột là nông nghiệp bắt buộc phải vượt qua nếu muốn bước ra sân chơi quốc tế. Sau nhiều năm tháng thương lượng và đàm phán, ngày 13-7-2000, Hiệp định BTA được chính thức ký kết. Thành công lớn nhất, cơ bản nhất mang tính lịch sử của BTA là việc bình thường hóa quan hệ thương mại, kể cả chính trị, và kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Kinh tế, thương mại nói chung và ngành kinh tế trụ cột của đất nước là nông nghiệp bắt đầu có những khởi sắc lớn.
Từ tiền đề quan trọng BTA đã mở ra, sáu năm sau vào năm 2006, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vượt qua một cửa ải quan trọng khác để hòa mình ra biển lớn, đó là đàm phán thành công việc gia nhập WTO và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại khổng lồ này. Ngay trong năm đầu gia nhập WTO (năm 2007), tổng giá trị hàng xuất nhập khẩu tăng 31,3% (tương đương mức tăng 26,52 tỷ USD so với năm 2006). Riêng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, chỉ sau một năm gia nhập WTO đã có những bước tiến thần kỳ. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đã đạt 10,5 tỷ USD. So với năm 2006, năm cũng được coi là rất thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, con số này đã tăng tới 20%, đã có tới năm mặt hàng là thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà-phê, gạo và cao-su đạt giá trị xuất khẩu từ một đến ba tỷ USD. Đáng chú ý, có tới 42 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…
Cho đến thời điểm năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta đạt hơn 30 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với mười loại nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD/năm. Năm 2015, dù kết quả có thể không đạt như kế hoạch nhưng sau 11 tháng xuất khẩu nông sản cũng đạt 27,4 tỷ USD và xuất siêu tới 6,26 tỷ USD… Nhận định về những thành tựu mà nền nông nghiệp Việt Nam thu được trong 15 năm qua (2000 - 2015) TS Đặng Kim Sơn - Chuyên gia về kinh tế và chính sách nông nghiệp nhận định: Ngay từ khi chúng ta gia nhập WTO, nhiều người đã đặt câu hỏi nông nghiệp Việt Nam sẽ ra sao? Và đến bây giờ là TPP và các FTA khác thì chúng ta cũng đều lo lắng cho nông nghiệp. Chúng ta đang sống trong môi trường cạnh tranh; nhiều ngành bị đổ vỡ, nhiều nông dân phá sản, nhưng về cơ bản nông nghiệp Việt Nam đã trở thành một ngành xuất khẩu sống động, vươn lên xuất khẩu hàng chục tỷ USD vào thị trường thế giới. Việt Nam đã liên tục xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước. Trên thực tế, những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do từ BTA và sắp tới là TPP đã có những tác động lâu dài, sâu sắc vào thể chế, vào con đường phát triển, vào đường lối chính sách kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng của Việt Nam.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA Nguyễn Đình Lương nhận định: Việc hội nhập các khối mậu dịch tự do trong khu vực và trên thế giới buộc nền kinh tế nói chung và nông nghiệp Việt Nam tạo sức ép để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh, kết nối hợp lý với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, hội nhập tạo điều kiện và sức ép để Việt Nam xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp mạnh, giỏi, thành công cả trên thị trường trong nước và quốc tế. Kinh tế toàn cầu hóa là cuộc đua giữa các đại gia, các tập đoàn xuyên quốc gia. Ở Việt Nam các tập đoàn đa quốc gia đang triển khai các dự án lớn nhất, quan trọng nhất và chúng ta đang mong họ vào nhiều hơn. Soi chiếu vào thực tế, từ BTA, qua WTO đến TPP, có thể nói đội ngũ doanh nghiệp ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi và lột xác ngoạn mục. Đặc biệt, trong những năm gần đây có một tín hiệu đáng mừng là nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã quay lại với nông nghiệp, với một ý định rất nghiêm túc. Đó là các doanh nghiệp lớn trong nước thuộc các lĩnh vực mà trước đây phát triển nóng như chứng khoán, bất động sản, khai thác khoáng sản… nay, đều chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như HAGL, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai, BĐS Phát Đạt…
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện, cũng phải thừa nhận đây là một trong những khâu yếu của chúng ta trong quá trình hội nhập. Thử điểm lại đội ngũ được xem là trụ cột hiện nay của nền kinh tế chủ lực này: đội ngũ doanh nghiệp. Theo ước tính, hiện có khoảng 35 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chỉ chiếm một tỷ lệ ít ỏi là 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước. Điều đáng nói hơn, đây hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”, các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% cho nên rất khó cạnh tranh. Sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém cho nên đã và sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa, nhất là trong những lĩnh vực cạnh tranh mà đối tác nước ngoài có nhiều lợi thế lớn như chăn nuôi, công nghệ cao…
Để có cái nhìn tổng thể của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với những người từng gắn với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và sắp tham gia chính thức như nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương, lãnh đạo chủ chốt đàm phán WTO Trương Đình Tuyển và mới đây nhất là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Ngoài những kết quả thu được từ những con số mang tính thống kê về kim ngạch xuất khẩu, thị trường, đơn hàng, mặt hàng nông sản… một điều khác cũng quan trọng không kém là những kinh nghiệm vô giá về nghệ thuật, kỹ năng đàm phán về các hiệp định mậu dịch của các nhà đàm phán Việt Nam đã tích lũy được trên trường quốc tế.
Là “kiến trúc sư” chính để dọn đường cho các doanh nghiệp Việt Nam “vượt vũ môn” ra biển lớn khi Hiệp định BTA được ký kết, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA Nguyễn Đình Lương cho biết: Kể từ tháng 9-1996, khi vòng đàm phán đầu tiên bắt đầu, tất cả những thông tin, tài liệu về Mỹ ở đâu đều được ông và các thành viên trong đoàn sưu tầm ra bằng được, bằng hết để hiểu về Mỹ, kể cả lịch sử, văn hóa, con người, cơ chế và hệ thống luật lệ của họ chứ không đơn giản chỉ là hàng hóa, thị trường... Hay như khi nhìn nhận lại sự kiện gia nhập WTO (năm 2006), nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết: Trong nhiều năm, ông và đoàn đàm phán đã có hàng trăm phiên họp, thảo luận khác nhau với WTO và các đối tác, và thấm thía hơn hết những khó khăn, thử thách mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là việc Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các quốc gia đã vào WTO từ trước năm 1995. Có lần, ông đưa vấn đề này hỏi thẳng Tổng Giám đốc của WTO Pa-xcan La-my, rằng có phải các quốc gia vào sau đang bị phân biệt đối xử không. Câu trả lời là: "Đúng vậy, nhưng đó là cuộc sống!", nghĩa là: Việt Nam không có cách nào khác là ngồi vào bàn đàm phán, giải quyết từng vấn đề cụ thể thay vì duy ý chí về mục tiêu và thời điểm gia nhập.
Từ những bài học quý giá này, có thể nói, từ Hiệp định BTA đến hai Hiệp định TPP và EVFTA mà chúng ta sắp sửa ký kết, các nhà đàm phán Việt Nam đã có những bước tiến dài trong sử dụng các kỹ năng, nghệ thuật đàm phán với các nước để mang lại những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Ví như trong TPP: Cùng với những thỏa thuận để các nước khác mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam vào, Việt Nam cũng cam kết về mở cửa thị trường nông, lâm, thủy sản cho mười một thành viên còn lại; Có những mặt hàng Việt Nam đã đạt thành công quan trọng như thịt lợn, thịt gà, chúng ta giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng nhạy cảm này từ năm đến bảy năm cho đến 10 - 12 năm, nghĩa là có đủ thời gian để ngành chăn nuôi trong nước tái cơ cấu, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập từ các nước thành viên trong khối mậu dịch. Tương tự, một số nông sản chủ lực khác như cà-phê, tiêu, điều, cá biển, hải sản… cũng được hưởng những lợi ích khác nhau từ các cam kết của các thành viên khác trong khối mậu dịch. Những thành công này có khởi nguồn từ tài năng, bản lĩnh nhưng cũng là kết quả từ kho kinh nghiệm mà các nhà đàm phán Việt Nam đã dày công tích lũy trong mấy chục năm qua.
Sau 15 năm hội nhập vào các khối mậu dịch tự do quốc tế từ BTA của thưở ban đầu đến TPP của ngày hôm nay, nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng của Việt Nam đã có những bước tiến thần kỳ. Từ một nền kinh tế nông nghiệp đóng cửa và thụ động, chúng ta đã từng bước thay đổi, thích ứng và hội nhập sâu rộng để trở thành một cường quốc xuất khẩu nông sản. Đó là một thực tế rất đáng ghi nhận.
Trong năm 2015, hai hiệp định thương mại rất quan trọng khác đã được thực hiện: đầu tháng 10-2015, Việt Nam cùng 11 nước kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra cho ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam một thị trường rộng lớn hơn 800 triệu dân, giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực trong việc phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Tiếp đó, vào ngày 2-12-2015, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) tại Brúc-xen (Bỉ), tạo ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa Việt Nam và 28 quốc gia thuộc liên minh châu Âu, giúp hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường 500 triệu dân của EU...