Phát triển vườn cây ăn quả

09:22, 24/12/2015

Trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương tiếp tục nhân rộng một số mô hình trồng cây ăn quả có chất lượng cao.

Những năm qua, nông dân ở các địa phương đã tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng và phát triển cây ăn quả. Mô hình trồng chuối tiêu hồng cấy mô được triển khai ở huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công quy mô 6ha, với 191 hộ tham gia. Hay dự án xây dựng mô hình trồng táo Đào Vàng, Đào Muộn và Đại táo, với mục tiêu chuyển giao các giống mới, nâng cao năng suất từ 15-20% so với các giống táo cũ tại địa phương. Sau 2 năm năng suất có thể đạt từ 12-15 tấn/ha. Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên và T.P Thái Nguyên với quy mô 15ha. Năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã thực hiện mô hình Chứng nhận sản xuất na an toàn theo quy trình VietGAP quy mô 30ha với 75 hộ dân xã La Hiên (Võ Nhai) tham gia. Kết quả đã cấp Giấy chứng nhận cho 21,9ha na của 60 hộ dân vùng này với tổng kinh phí thực hiện 100 triệu đồng. Năm 2014, thực hiện mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác bưởi bằng túi bao quả với quy mô 5ha với 4 hộ dân của xã Tiên Hội tham gia. Năm 2015, 36 hộ dân của huyện Phú Lương tham gia mô hình trồng mới 1ha na.

 

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đã tìm được những loại cây ăn quả mới đem lại giá trị kinh tế cao. Đơn cử như gia đình anh Liễu Văn Tư, xóm Thanh Chử, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Cách đây vài năm, qua mạng Internet và bạn bè, anh Tư biết đến giống ổi lê Đài Loan và đã tìm về Hưng Yên mua 100 cây giống về trồng.. Được biết, gia đình anh Tư cũng đã trồng đủ các loại cây (táo, chanh, bưởi), nhãn nhưng giờ chỉ trồng duy nhất giống ổi này. Hỏi vì sao không để các loại cây ăn quả khác, anh Tư cho biết: Tất cả các loại cây ăn quả gia đình tôi đã trồng đều không kinh tế, bởi nó chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm. Còn giống ổi lê Đài Loan này thì cho quả bốn mùa, lại giữ giá. Giống ổi này có ưu điểm là để trong tủ lạnh rất ngọt, lõi không bị mềm. Với 2.000m2, gia đình anh Tư trồng 140 cây ổi, ngày nào gia đình anh cũng có ổi bán, lúc rẻ nhất là 15.000-20.000 đồng, dịp gần cuối năm 30.000 đồng/kg…  Bình quân mỗi năm cũng cho lượng 15 tấn quả, thấp nhất cũng thu được trên 200 triệu đồng/năm.

 

Không chỉ bán quả, gia đình anh Tư còn bán cành chiết, ghép, bình quân mỗi năm chiết ghép và bán ra 1 vạn cây giống, giá bình quân 25.000 đồng/cây. Hiện, diện tích cây ăn quả của tỉnh khoảng 17,1 nghìn ha năm 2015, diện tích trồng mới là 528ha, tăng 71,4% so với năm 2014. Diện tích vải, nhãn chiếm khoảng 28% trong tổng diện tích cây ăn quả với 4.832ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Đồng Hỷ: Diện tích cây có múi khoảng 1.350ha, gồm cam, quýt, bưởi, chanh; còn lại là na, táo. Một số loại cây ăn quả có diện tích trồng mới đạt cao như chuối: 107ha, na 40ha, bưởi 103ha. Mặc dù thời tiết cũng đã ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây ăn quả, nhưng người dân chú trọng việc chăm sóc, áp dụng kịp thời một số biện pháp khoa học trên cây trồng nên năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng hơn so với năm 2014: vải đạt 40,6 tạ/ha, sản lượng đạt trên 13 nghìn tấn; tăng 1,8%; năng suất nhãn đạt 36,3 tạ/ha, sản lượng đạt 5,1 nghìn tấn, tăng 7,5%; chuối: 143,4 tạ/ha, tăng 2,9%...

 

Đồng chí Triệu Đức Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã chú trọng phát triển và mở rộng diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi đang là một trong những hướng đi đúng đắn, từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên diện tích tăng trưởng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển vẫn chậm, nguyên nhân cũng bởi là thời gian kiến thiết lâu, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ thu 1 lần trong năm nên nông dân vẫn lựa chọn cây chè trong phát triển kinh tế vườn đồi.

 

Những năm tới, để diện tích cây ăn quả phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện một số giải pháp: Chỉ đạo phát triển những loại cây ăn quả trọng điểm phù hợp với từng vùng; ứng dụng khoa học công nghệ vào việc bảo quản và chế biến; phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo và thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình VietGAP; phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời xây dựng chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ nông dân phát triển mạnh diện tích cây ăn quả…