Những năm gần đây, năm nào báo cáo kết quả sử dụng đất của UBND tỉnh cũng kèm theo một danh sách dài dằng dặc các dự án đã đăng ký sử dụng đất nhưng chưa thực hiện phải chuyển tiếp sang năm sau. Năm nay cũng thế, trong số trên 1.200 công trình, dự án đăng ký (diện tích gần 4.400ha) thì mới có 450 công trình, dự án thực hiện với diện tích chưa bằng 21% kế hoạch đề ra. Vậy, đâu là nguyên do sâu xa của vấn đề này?
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải tại sao tỷ lệ sử dụng đất đạt thấp như vậy. Nào là các địa phương chưa có kế hoạch vốn, chưa xác định được khả năng, năng lực tài chính của chủ đầu tư, nhưng vẫn đăng ký nhu cầu sử dụng đất cao. Nào là các dự án thuộc ngân sách Nhà nước mặc dù đã được phê duyệt đầu tư nhưng các địa phương chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện. Rồi, các địa phương chưa kịp thời đôn đốc các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Tình hình kinh tế suy thoái cũng là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính đầu tư cho công trình, dự án đã được xác định trong kỳ kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác, quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn nhiều vướng mắc; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm vì chưa bố trí được các khu tái định cư để di chuyển chỗ ở cho các hộ dân có đất bị thu hồi...
Đây đúng là những nguyên nhân khiến kế hoạch sử dụng đất đạt thấp. Nhưng theo một số nhà phân tích thì nguyên nhân sâu xa của vấn đề nằm ở chỗ, quá trình thẩm định, đánh giá chấp thuận đầu tư của các cơ quan quản lý còn chưa sát thực tế, chưa đánh giá đúng năng lực tài chính của nhà đầu tư nên dẫn đến tình trạng dự án chỉ nằm trên giấy, kéo dài từ năm này qua năm khác. Có nhà đầu tư đăng ký quá nhiều dự án nên vốn bị dàn trải không thực hiện được theo tiến độ. Điển hình là nhà đầu tư Yên Bình (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình). Không thể phủ nhận, những năm gần đây, đơn vị này có những đóng góp tích cực trong thu hút đầu tư vào tỉnh với việc xây dựng thành công Khu công nghiệp Yên Bình, thu hút dòng vốn FDI khổng lồ đổ vào địa phương. Tuy nhiên, Doanh nghiệp này cũng có một số dự án đăng ký sử dụng đất mấy năm liền mà chưa thực hiện được. Đó là Dự án Khu đô thị thông minh Yên Bình, quy mô 385ha; Dự án Khu Resort Yên Bình quy mô 170ha; Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao Golf Yên Bình, quy mô 180ha; Dự án Khu nông nghiệp kỹ thuật cao Agropark Yên Bình, quy mô 245ha. Các dự án này đều nằm trên địa bàn huyện Phú Bình và T.X Phổ Yên, được Sở Xây dựng thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt cách đây từ 2 đến 3 năm. Hiện tại, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016, các dự án trên vẫn có tên mà chưa thấy xây dựng.
Thực tế cho thấy, có những nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án gặp khó khăn thực sự, nhưng cũng không thiếu trường hợp đăng ký mà không triển khai hoặc triển khai nửa chừng. Năm 2011, Dự án nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng do Công ty CP đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng (Hà Nội) làm chủ đầu tư được khởi công. Ngay sau đó chủ Dự án đã lên kế hoạch sẽ hoàn thiện vào quý III năm 2013. Nhưng rồi, kết thúc năm 2015, số diện tích đất đăng ký sử dụng thuộc Dự án này vẫn chưa được triển khai và trở thành một trong 286 công trình, dự án phải chuyển tiếp sang thực hiện ở năm sau. Như vậy, mấy năm nay, năm nào Dự án này cũng đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thi công xây dựng. Dư luận đang đặt dấu hỏi, liệu năm 2016 và các năm tiếp theo dự án này có tiếp tục được thực hiện và hoàn thành? Không ít người đã đặt cọc tiền và ngóng chờ nhưng giờ vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để xây dựng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đã có những doanh nghiệp cố tình không triển khai để chiếm chỗ giữ đất. Nếu không đủ khả năng thì trả lại để tỉnh giao cho nhà đầu tư khác mạnh hơn. Báo cáo về vấn đề này, bản thân Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận: Một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính, số khác có hiện tượng xin cấp dự án để chờ cơ hội...
Để khắc phục tình trạng trên, theo các chuyên gia về đầu tư thì cần quan tâm đến chất lượng thẩm định, xét duyệt đầu tư đối với từng dự án có sử dụng đất. Cần thiết phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng nhà đầu tư, đánh giá trên cơ sở năng lực tài chính thực sự của họ. Phải cương quyết đối với nhà đầu tư thiếu năng lực, sẵn sàng thu hồi dự án chây ì và kêu gọi nhà đầu tư mới tiếp quản. Cần thiết phải để nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính và thực hiện việc ký quỹ theo quy định. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển đất của tỉnh cho rằng, cần thực hiện nghiêm quy định về cấp đất và bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực tế thì đã có dự án cứ tiến hành triển khai mà không bố trí được tái định cư, nên đã kéo theo sự chậm trễ của dự án. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, chủ đầu tư trong việc đăng ký nhu cầu sử dụng đất mà không xem xét kỹ nguồn vốn thực hiện để xảy ra tình trạng kế hoạch được duyệt mà không thực hiện. Với những trường hợp nhiều năm đăng ký sử dụng đất cho một dự án mà không thực hiện thì cũng cần loại ra khỏi danh sách sử dụng đất ở năm kế tiếp.