Chủ động ứng phó với vụ xuân ấm

08:30, 11/01/2016

Theo đánh giá của các ngành chức năng, vụ xuân năm 2016 tiếp tục là vụ xuân ấm (ấm hơn vụ đông xuân 2014-2015). Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến cây lúa cũng như rau màu, huyện Phú Bình đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp.  

Hàng năm, huyện Phú Bình luôn duy trì ổn định diện tích gieo cấy lúa là trên 12.000ha, năng suất ước đạt trên 75.000 tấn. Vụ xuân năm nay, huyện có kế hoạch gieo trồng khoảng 5.000ha lúa và rau màu các loại. Những ngày này, bà con nông dân trong huyện đang tích cực làm đất; nạo vét, tu sửa, xây mới kênh mương dẫn nước và vệ sinh đồng ruộng để sẵn sàng bước vào vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay hiện tượng El Nino có cường độ mạnh tương đương với những năm 1997-1998 và có khả năng kéo dài đến hết vụ xuân. Hiện tượng này sẽ khiến nền nhiệt độ trung bình cao hơn so với trung bình hàng năm từ 0,5 đến 1 độ C, rét đậm, rét hại không kéo dài, hạn hán sẽ xảy ra ở nhiều nơi. Thời tiết như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là đối với các giống lúa dài ngày nếu nhiệt độ không đủ lạnh trong thời kỳ gieo mạ sẽ cho năng suất thấp, hoặc với một số loại cây ăn quả khi thời tiết ấm sẽ phát lộc đông, không trổ hoa, khả năng mất mùa cao. Thời tiết ấm cũng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh hại phát triển mạnh, nhất là sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại...

 

Trước diễn biến của vụ xuân ấm, ngành chức năng và các xã, thị trấn của huyện Phú Bình đã chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân tập trung gieo cấy trà lúa xuân muộn (với trên 95% diện tích) bằng các giống lúa ngắn ngày (như BTE-1, TH3-3, Syn 6...); áp dụng các biện pháp gieo cấy tiên tiến (như gieo sạ, cấy khay) nhằm giảm công lao động, tiết kiệm chi phí và cấy mạ non, bón phân cân đối. Thời vụ gieo mạ trà lúa xuân muộn xung quanh tiết lập xuân (ngày 4-2 dương lịch), cấy sau Tết Nguyên đán. Với các loại rau màu ưa lạnh (su hào, bắp cải, súp lơ...) khi thời tiết ấm lên sẽ phát triển nhanh, do vậy cần trồng rải rác, tránh thu hoạch tập trung vào cùng một thời điểm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được những bất lợi của vụ xuân ấm và hướng dẫn bà con các biện pháp ứng phó kịp thời. Rà soát lượng nước tích trữ tại các ao, hồ, đập, sông ngòi và huy động người dân tu sửa, gia cố, nạo vét bùn đất tại các tuyến kênh mương nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ xuân. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn cần bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng kịp thời.

 

Xác định vụ xuân là vụ sản xuất chủ lực trong năm và có tiềm năng, năng suất cao, quyết định giá trị trong lĩnh vực trồng trọt. Xã Thanh Ninh đã tích cực tuyên truyền tới người dân về những bất lợi của thời tiết xuân ấm 2016 thông qua các cuộc họp tổng kết cuối năm, tổ chức tập huấn về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng vụ xuân. Cùng với đó, xã đang tích cực kiên cố hóa 1,3km kênh mương nội đồng tại các cánh đồng: Đồng Bất, Máng Quạ, Gốc Kháo nhằm bảo bảo đảm nguồn nước tưới để bà con gieo trồng 210ha lúa và 40ha rau màu (chủ yếu là ớt, dưa chuột...). Ông Dương Xuân Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay, xã kiên quyết chỉ đạo bà con cấy sau Tết Nguyên đán để bảo đảm năng suất. Đồng thời, khuyến cáo người dân trong quá trình chăm sóc lúa xuân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

 

Với những diện tích khó khăn về nguồn nước ở một số xã miền núi như: Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt,... bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng các giống lúa dài ngày, năng suất thấp sang trồng cây ngô xuân với các giống ngô cao sản hoặc các giống khoai tây, khoai lang, dưa bí và rau các loại... Và sẽ chỉ đạo trồng sớm các loại cây trồng này để hạn chế ảnh hưởng của hạn hán nặng cuối vụ. Đồng thời, bà con đã chủ động đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất nhằm nâng cao năng suất cây trồng; thực hiện các biện pháp: gieo mạ trên nền đất cứng, cấy mạ non, bón phân lót đậm, bón nhiều, bón trước khi cấy để lúa đẻ nhánh nhiều, đẻ tập trung.

 

Theo ông Lê Xuân Bảy, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Phú Bình thì kinh nghiệm thực tế từ một số vụ xuân ấm đã xảy ra trong lịch sử cho thấy, để năng suất lúa bảo đảm, biện pháp hiệu quả nhất là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, nghĩa là chuyển từ cấy lúa vụ đông xuân sang cấy lúa xuân muộn và lựa chọn những giống lúa ngắn ngày. Đối với huyện Phú Bình, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo tăng diện tích trà xuân muộn, giảm trà xuân chính vụ, hạn chế ảnh hưởng xấu của thời tiết. Với sự chuẩn bị tích cực các biện pháp trong gieo cấy, thủy lợi, cơ cấu cây trồng... nêu trên nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết xuân ấm, tin tưởng rằng vụ xuân 2016 của huyện sẽ đạt kết quả tốt.