Dấu ấn ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

16:25, 02/01/2016

5 năm so với cả giai đoạn thực hiện Chương trình (từ năm 2011 đến năm 2020) là không dài, song Chương trình xây dựng nông thôn mới (XD NTM) ở huyện Định Hóa đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong Nhân dân, tạo nên những dấu ấn riêng trong XD NTM ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Vào những ngày cuối của tháng 12-2015, có dịp đi đến một số thôn, xóm ở các xã: Trung Hội, Bảo Cường, Đồng Thịnh, Phượng Tiến..., chúng tôi nhận thấy hầu hết các tuyến đường liên thôn, liên xóm, nội thôn, nội đồng đã được mở rộng và đổ bê tông sạch sẽ. Những tuyến đường bê tông uốn lượn chạy quanh chân đồi như dải lụa mềm mại nằm vắt ngang không chỉ giúp cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa được thuận lợi mà còn góp phần tô điểm đẹp thêm cho khung cảnh cuộc sống vốn thơ mộng, yên bình của bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao... ở Định Hóa - vùng lõi An toàn khu năm xưa. Ông Phạm Văn Hinh, một hộ dân ở xóm Khuôn Ca (xã Đồng Thịnh) phấn khởi cho biết: So với 6-7 năm về trước, mỗi khi có việc từ nhà ra trung tâm xã thật vất vả, mất thời gian bởi đường sá vừa nhỏ hẹp lại hay bị lầy lội vào mùa mưa. Có những lúc đi từ nhà ra đến xã với quảng đường chỉ hơn 2 cây số mà tôi phải mò mẫm tới gần nửa giờ đồng hồ vì đường có nhiều đoạn lầy lội và trơn trượt. Ngày nay, nhờ có Chương trình XD NTM, con đường này đã được mở rộng và đổ bê tông sạch sẽ, thời gian ra đến trung tâm xã chỉ mất khoảng 10 phút. Nghĩ lại thời điểm bà con trong xóm nhận được thông báo về chủ trương đổ bê tông con đường, tôi vui lắm. Vì vậy, gia đình tôi đã tự nguyện hiến 140m2 đất ruộng để giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường...  

 

Những năm qua, đi đến thôn, xóm nào trên địa bàn huyện Định Hóa, chúng tôi cũng đều được chứng kiến không khí sôi nổi của việc hiến đất, góp công lao động, tiền mặt để làm đường bê tông. Ông Ma Văn Chấm, Trưởng xóm Làng Chủng (xã Trung Hội) phấn khởi cho biết: Đến nay, các tuyến đường nội thôn, nội đồng của xóm đã cơ bản được mở rộng và đổ bê tông. Năm 2013 và 2014, từ nguồn vốn hỗ trợ xi-măng của tỉnh, xóm Làng Chủng đã được đầu tư xây dựng 4 tuyến đường với tổng chiều dài là 1,1km, tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. Đến đầu năm 2014, Nhân dân trong xóm tiếp tục hoàn thiện tuyến đường nội đồng dài hơn 900m với tổng kinh phí gần 690 triệu đồng. Các tuyến đường đường bê-tông này không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa của bà con mà còn góp phần làm cho diện mạo nông thôn được phong quang hơn. Để làm các tuyến đường này, bà con trong xóm đã đối ứng 60 triệu đồng, tự nguyện hiến 7.700m2 đất lúa, đất trồng màu và đất đồi, góp gần 1.000 công lao động để san lấp mặt bằng, trực tiếp tham gia thi công tuyến đường. Ngoài ra, bà con trong xóm còn để tự mở 4,5km đường vào rừng sản xuất. Để mở con đường này, các hộ dân trong xóm đã tự nguyện hiến hơn 18 nghìn m2 đất cùng cây trồng trên đất. Thế mới thấy, qua việc xây dựng các tuyến đường, tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích cộng đồng của bà con trong xóm đã được phát huy như thế nào...

 

Ngoài việc huy động sức dân, UBND huyện còn có Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 23-10-2013 về việc vận động lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tham gia đóng góp ngày công, tiền mặt xây dựng đường giao thông nông thôn. Qua đó, các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang... Trong 3 năm (từ năm 2013 đến năm 2015), toàn huyện đã vận động được 2.256 công và hơn 2,9 tỷ đồng lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... Nguồn lực này đã đóng góp tích cực hỗ trợ Nhân dân hoàn thành các công trình được giao hằng năm.

 

Ngoài chú trọng xây dựng đường bê tông nông thôn, huyện Định Hóa còn tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa. Ông Trần Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến cho biết: Ngay khi được huyện chọn làm xã điểm xây XD NTM, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Xác định việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn phải được Nhân dân bàn bạc dân chủ, chúng tôi đã tổ chức các hội nghị ở thôn nhằm thu thập, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của bà con. Từ đó, xã mới quyết định làm hạng mục công trình nào trước, hạng mục nào sau và mức đối ứng vốn của Nhân dân ra sao. Từ cách làm trên, việc xây dựng các công trình đường bê tông nông thôn, kênh mượng nội đồng, nhà văn hóa xóm đã nhận được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Đến nay, xã Phượng Tiến đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM, đang chờ tỉnh thẩm định và ra quyết định phê duyệt công nhận. Nhờ vậy, hệ thống giao thông, thủy lợi, Trạm y tế xã, trường học... ngày càng hoàn thiện góp phần làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của xã...

 

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, huyện Định Hóa đã huy động được khoảng 2.721 tỷ đồng từ các nguồn vốn: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện, vốn tín dụng... để thực hiện các tiếu chí NTM, nhất là các tiêu chí thuộc nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện đã và đang từng bước được hoàn thiện. Đến nay, huyện đã cứng hóa được 271/434km đường liên thôn (đạt 62%); 24/270km đường trục chính nội đồng (đạt 8,8%); xây dựng, sữa chữa, nâng cấp 95 công trình thủy lợi; kiên cố hóa được gần 300 km kênh mương; 23/23 xã có nhà văn hóa xã cơ bản đáp ứng các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của xã, trong đó có 13 nhà văn hóa xã đạt chuẩn NTM; 345/412 nhà văn hóa thôn, xóm cơ bản đảm bảo cho các hoạt động văn hóa, trong đó có 45 nhà đạt chuẩn NTM... Đến nay, số tiêu chí NTM đạt được bình quân/xã đã tăng lên 8,1 tiêu chí so với năm 2011 (từ 2,5 tiêu chí/xã lên 10,6 tiêu chí/xã). Huyện đã có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 10,2 triệu đồng/người (năm 2011 đạt 7,8 triệu đồng, năm 2015 ước đạt 18 triệu đồng).

 

Ông Ngô Quốc Tự, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình XD NTM của huyện cho biết: Điểm nổi bật trong xây dựng hạ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện những năm qua là đã triển khai tốt phương án lồng ghép các nguồn lực huy động được. Nhờ vậy, từ năm 2012 đến năm 2015, toàn huyện đã xây dựng được khoảng 183,8 km đường giao thông  và kênh mương nội đồng, với tổng nguồn vốn đầu tư là 115,631 tỷ đồng. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2013, các công trình hạ tầng theo kế hoạch phân cho các xã đã được giao cho Ban phát triển các thôn để tổ chức nhân dân trực tiếp thi công, cơ chế hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho các hạng mục công trình theo Nghị quyết HĐND huyện. Cách làm này đã tạo điều kiện cho nhân dân phát huy dân chủ, huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa tham gia. Qua đó đã tiết kiệm chi từ ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng.