Diện mạo mới ở Cao Khánh

15:49, 21/01/2016

Xóm Cao Khánh, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) có trên 70% số dân là người các dân tộc thiểu số: Sán Dìu, Nùng, Tày… Những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân trong xóm đã tích cực phát triển kinh tế, đời sống được nâng lên rõ rệt.

Chúng tôi đến xóm Cao Khánh vào một ngày đầu tháng Chạp. Dưới ánh nắng vàng cuối đông, những cây đào phai được trồng trong vườn nhà dân bắt đầu hé nở bông hoa đầu tiên, báo hiệu một mùa xuân mới đang đến rất gần. Đi trên con đường bê tông uốn lượn phẳng phiu, hai bên là những ngôi nhà được xây dựng khang trang, chúng tôi cảm thấy cuộc sống của người dân nơi đây đã thực sự thay đổi.

 

Ông Lê Hồng Minh, Trưởng xóm Cao Khánh cho biết: Xóm có 88 hộ dân thì phần lớn đều là người dân tộc từ tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng di cư về từ những năm 1940. Trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây vất vả lắm, đường giao thông toàn đường đất, nhiều nhà đến ngày giáp hạt phải đi chạy ăn từng bữa. Nhưng nay thì khác rồi, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Đảng, Nhà nước, đường giao thông trong xóm đã được đổ bê tông kiên cố, sạch đẹp, đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con khấm khá hơn trước rất nhiều.

 

Trước đây, do chưa xác định chè là cây trồng mũi nhọn nên bà con Cao Khánh không quan tâm nhiều đến kỹ thuật chăm sóc, chế biến chè, năng suất chè búp tươi chỉ đạt từ 8-10 tấn/năm. Được sự động viên của cán bộ khuyến nông, hỗ trợ giá giống chè lai của Nhà nước, người dân trong xóm đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng, chế biến chè do Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông Thành phố cũng tổ chức; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, chế biến chè, từ đó, nhiều giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào trồng như: LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... Đến nay, trong tổng diện tích 25ha chè kinh doanh của xóm, diện tích chè giống mới đã chiếm trên 90%; năng suất tăng lên 15-17 tấn/năm. Bên cạnh trồng chè, người dân trong xóm còn phát triển thêm 3 vườn ươm chè (chủ yếu là các giống chè lai) có diện tích từ 800 đến 1.000m2 để cung cấp thêm hom chè giống cho người dân bản địa và ở các huyện lân cận như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên... Bà Tạ Thị Thúy, một người dân trong xóm cho biết: Ngoài 4 sào chè lai, gia đình tôi còn làm thêm vườn ươm chè với diện tích gần 1.000m2, mỗi năm bán từ 8 đến 10 vạn hom chè giống. Trừ chi phí, tôi còn thu về trên 20 triệu đồng.

 

Ngoài quan tâm, đầu tư phát triển cây chè, người dân Cao Khánh còn đẩy mạnh trồng rừng sản xuất. Nhiều người cao tuổi trong xóm kể lại, trước đây, khi người dân trên mạn ngược di cư xuống vùng đất Cao Khánh, do chưa có kinh nghiệm về trồng rừng nên phần lớn diện tích đất rừng bị bỏ hoang hóa, hoặc trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp. Nhưng từ khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây, kỹ thuật trồng rừng thì trên 70ha diện tích rừng nơi đây đã được phủ xanh với các giống keo lai. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ rừng như hộ gia đình ông Nghiêm Văn Thanh, Phùng Thị Lưu, Phùng Văn Tân… Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, hiện nay, xóm chỉ còn 2 hộ nghèo (giảm 4 hộ so với năm 2010); thu nhập bình quân đạt 20 triệu đồng/người/năm (tăng 10 triệu so với năm 2010); trên 80% đường bê tông của xóm được cứng hóa, 98% số hộ dân có phương tiện đi lại, nghe nhìn.

 

Kinh tế phát triển, người dân Cao Khánh ngày càng quan tâm hơn tới đời sống tinh thần. Mặc dù nhiều dân tộc thiểu số nhưng xóm thực hiện rất tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ ba, xóm không có người nghiện ma túy, an ninh luôn được đảm bảo, hàng năm luôn có học sinh đỗ Đại học và Cao đẳng... Trong xây dựng nông thôn mới, người dân trong xóm cũng rất tích cực, đồng lòng ủng hộ. Điển hình như việc xây dựng nhà văn hóa, nhân dân trong xóm cùng đồng lòng, đóng góp tiền của, công lao động xây dựng nhà văn hóa trị giá trên 440 triệu đồng vào cuối năm 2015. Bà Vi Thị Hòa, Bí thư Chi bộ xóm thông tin: “Để làm được nhà văn hóa khang trang, rộng trên 100m2 như ngày hôm nay, chúng tôi đã vận động nhân dân trong xóm đóng góp mỗi nhân khẩu 500 nghìn đồng, ngoài ra còn vận động thêm các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi xây dựng, mọi khoản thu, chi đều được Ban Công tác mặt trận xóm báo cáo thường xuyên, dân chủ để bà con được biết nên nhận được sự đồng thuận cao”.

 

Chia tay người dân xóm Cao Khánh khi trời đã về chiều, hai bên đường trục chính của xóm, chúng tôi thấy những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, chào đón một năm mới đến với những thành công mới.