"Lép vế" là cụm từ mà thời gian gần đây chúng ta thường nghe nhắc đến khi nói về hoạt động của khu vực kinh tế trong nước, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp (DN) địa phương. Nói đúng hơn là từ khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên ngôi với các dự án khổng lồ của Samsung và chuỗi dự án phụ trợ đi kèm thì cụm từ này xuất hiện nhiều hơn. Vậy, làm gì để DN nội địa không bị lép vế? Câu hỏi đặt ra không dễ trả lời nhưng cũng không phải không có phương cách.
Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, thực tế hiện nay khu vực kinh tế FDI phát triển quá mạnh nhưng vẫn chỉ như "miếng mỡ nổi" mà thiếu chiều sâu, bởi tỉ lệ nội địa hóa còn rất thấp khiến giá trị thực mà khu vực nội địa được thừa hưởng không đáng kể. Hay nói đúng hơn, trong chuỗi giá trị mà khu vực FDI có được, ít thấy bóng dáng các DN trong nước. DN vốn FDI nhập khẩu gần như 100% nguyên phụ liệu, linh kiện và xuất khẩu cũng gần như toàn bộ sản phẩm làm ra. Giá trị nhập khẩu và xuất khẩu không chênh nhau là mấy. Điều đó chứng tỏ, thị trường nội địa chủ yếu là lắp ráp, gia công, có chăng chúng ta được hưởng lợi từ chính sách thu hút lao động, việc làm, cải thiện môi trường đầu tư, dịch vụ xã hội... Đã có thời điểm DN may mặc vốn FDI của chúng ta phải nhập từ sợi chỉ, cái cúc hay DN điện tử, viễn thông phải nhập từ con vít, cái ốc, nên giá trị thực mang lại cho nền kinh tế không nhiều.
Từ phân tích này có thể suy ra rằng, chính sản xuất trong nước với binh chủng các DN bản địa mới là lực lượng quan trọng, thể hiện tính bền vững của nền kinh tế. Tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư mới đây của tỉnh, ngay cả chuyên gia kinh tế đến từ Cục đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định: Để đảm bảo tính bền vững cho nền kinh tế, ngoài tiếp tục phát triển công nghiệp vốn FDI, Thái Nguyên cần quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, phát triển khu vực kinh tế trong nước, trong đó chú ý nhiều đến các DN nhỏ và vừa. Chính sự phát triển này sẽ giúp tỉnh tận dụng tối đa sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của các nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Cần nhất là các DN nội địa phải tham gia được vào chuỗi sản xuất khổng lồ đang ngày một gia tăng của các DN FDI.
Từ khi Samsung, một thương hiệu mang tính toàn cầu xuất hiện ở tỉnh ta, được các cấp chính quyền và người dân ủng hộ, tạo điều kiện hết sức cả về chính sách thuế quan đến cơ chế giải phóng mặt bằng nên đôi lúc khiến các DN địa phương có phần chạnh lòng. Tuy nhiên, các DN đều hiểu rằng, đó là chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh và sự có mặt của các "ông lớn" sẽ là chất xúc tác kích thích dòng vốn đầu tư đổ vào địa phương. Từ đó, cơ hội cũng sẽ đến nhiều hơn với các DN nội địa. Do đó, một động lực mới, lớn hơn rất nhiều đã len lỏi vào từng ý nghĩ, tư duy của các DN địa phương, tạo dựng niềm tin để phát triển.
Trong cộng đồng các DN địa phương thì từ lâu Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là niềm tự hào cho các sản phẩm nội địa. Hiện nay, đơn vị này đã mở rộng sản xuất ra gần 1/2 số địa phương trong tỉnh với các chi nhánh tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, các huyện Phú Bình và Đại Từ. Gần đây nhất, DN này còn đầu tư xây dựng Trung tâm thiết kế thời trang ngay tại trung tâm tỉnh lỵ với số vốn lên tới cả trăm tỷ đồng. Năm 2015, trong tổng số 45,2 triệu sản phẩm may mặc đạt được của toàn tỉnh (tăng 10,6% cùng kỳ, bằng 113,6% kế hoạch năm) thì TNG chiếm tới trên 50%.
Một DN địa phương nữa cũng đã và đang khẳng định khả năng và tiềm lực phát triển lâu dài của mình là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo. Trong khi tình hình kinh tế còn chưa hết khó khăn thì việc DN này có giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đạt hàng trăm triệu USD mỗi năm thật đáng trân trọng. Trung bình mỗi tháng, đơn vị sản xuất được trên 3.000 tấn đồng, 600 tấn volfram và khoảng 16.000 tấn flourspar. Kết thúc năm 2015, volfram và sản phẩm volfram (loại hàng hóa có giá trị kinh tế chủ lực của Công ty) đạt khoảng 9.100 tấn, tăng trên 11% so với cùng kỳ và vượt 12% kế hoạch đề ra.
Một trường hợp khác cũng đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín là DN Việt Cường. Ngoài thương hiệu số 1 trên địa bàn tỉnh về cung ứng sản phẩm bê tông tươi, hiện nay DN này đã đầu tư cả trăm tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất gạch tuynel theo tiêu chuẩn, công nghệ tiên tiến nhất. Hướng phát triển của DN là trở thành tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng khi cùng lúc cho lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất gạch không nung, khai thác vật liệu đá, cát, sỏi xây dựng. Kết thúc năm nay, DN cung ứng ra thị trường gần 100.000m3 bê tông thương phẩm, 80.000m3 đá xây dựng và trên 1 triệu viên gạch tuynel...
Cùng với các DN nói trên, công đồng DN địa phương còn có nhiều đơn vị đủ mạnh để đứng vững và đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh, điển hình như: Công ty Cp Nhiệt điện An Khánh; Công ty CP Đầu tư và Sản xuất công nghiệp; Công ty CP Prime Phổ Yên; Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên; Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng; Công ty TNHH Hương Đông; Công ty TNHH Quang Trung...
Sự nỗ lực của các DN nội địa thời gian qua được ghi nhận bằng những kết quả cụ thể. Chỉ riêng năm 2015, khu vực kinh tế trong nước, trong đó có khối các DN địa phương đã có bước tăng trưởng khá. Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh cả năm đạt 365 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm trước và vượt trên 40% kế hoạch năm thì khu vực công nghiệp trong nước tăng 22,8%, trong đó công nghiệp địa phương tăng 10%. Có thể nói, đã lâu rồi khu vực kinh tế trong nước mới có sự chuyển biến tích cực như vậy. Điều đáng mừng là một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh như sắt thép, xi măng lại có nhịp độ ổn định trở lại mặc dù thị trường vẫn chưa hết ảm đạm.
Nếu so về giá trị sản xuất thì quả thật các DN nội địa đang có phần lép vế, nhưng so về đóng góp thực sự cho nền kinh tế địa phương thì không hẳn vậy. Bởi vậy, sự quan tâm, chia sẻ, cùng tháo gỡ khó khăn cho DN nội địa của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa của tỉnh thì sự nỗ lực của bản thân các DN là quan trọng nhất, nhưng không thể thiếu sự quan tâm của chính quyền các cấp. Sự quan tâm đó đi ra từ chính sách, cơ chế và tinh thần, thái độ đồng hành cùng DN. Trong một diễn đàn về phát triển DN gần đây ở tỉnh ta, tiến sĩ Nguyễn Vương Bắc, Viện trưởng Viện kinh tế tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Việc thu hút DN vốn FDI là cần thiết, song cũng không vì thế mà xem nhẹ sự phát triển bền vững của DN trong nước, nhất là các DN bản địa.