Khi những “đầu tàu” chuyển động

10:42, 14/01/2016

Tự nguyện bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng đối ứng trước cho cả xóm khi làm đường bê tông, sẵn sàng hiến đất, tiên phong trong phát triển kinh tế… là những việc làm thể hiện trách nhiệm và sự gương mẫu của nhiều cán bộ, đảng viên tại xã Ôn Lương (Phú Lương). Họ được coi như những “đầu tàu” tạo động lực cho sự đổi thay tích cực của địa phương thời gian gần đây.

Như 9 xóm khác của xã Ôn Lương, Khau Lai cũng là một xóm thuần nông nghèo (năm 2011, có 23 hộ nghèo/62 hộ của xóm) nên khả năng đóng góp đối ứng của người dân để xây dựng hạ tầng nông thôn còn hạn chế. Ngoài ra, khi Chương trình Xây dựng nông thôn mới bắt đầu được triển khai, người dân trong xóm còn nặng tâm lý “nghe ngóng”, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhưng đến nay, gần 100% tuyến đường trong xóm đã được bê tông hóa, hệ thống kênh mương thủy lợi, Nhà văn hóa xóm cũng được đầu tư xây dựng bằng sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân. Xóm trở thành đơn vị đi đầu, tiêu biểu của xã Ôn Lương về phát huy sức dân xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Nói về điều đó, người dân trong xóm ai cũng nhắc đến và biết ơn Trưởng xóm Phạm Văn Chung. Ông Nguyễn Văn Rư, 93 tuổi, một người dân xóm Khau Lai bảo: “Trưởng xóm tôi là một cán bộ tốt, được lòng bà con vì ông ấy sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể. Có những cán bộ như ông Chung, chúng tôi tin tưởng hơn vào chủ trương của Đảng, bảo nhau tích cực đóng góp đối ứng để làm các công trình”.

 

Việc làm nổi bật của ông Phạm Văn Chung khiến người dân trong xóm cảm phục là đã tự nguyện dùng tiền của gia đình để nộp trước toàn bộ khoản tiền đối ứng cho cả xóm khi người dân gặp khó khăn. Cuối năm 2011, khi xóm họp bàn để làm 769m đường bê tông theo hình thức đối ứng, người dân đều hưởng ứng nhưng đa số đề nghị tạm hoãn, họ e dè vì khoản tiền đối ứng trước mắt không hề nhỏ. Trưởng xóm Phạm Văn Chung đã đề nghị Chi bộ xóm, lãnh đạo xã đồng ý cho ông ứng trước 212 triệu đồng của nhà để nộp đủ đối ứng cho cả xóm, thu tiền của dân sau (gia đình ông là một điển hình về phát triển kinh tế tại địa phương). Cùng với đó, cá nhân ông cũng tích cực tuyên truyền, vận động để 30 hộ dân đồng thuận hiến đất làm đường. Vì vậy, tuyến đường được thi công đảm bảo kế hoạch, được xã chọn làm điểm để cán bộ chủ chốt 9 xóm còn lại đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Sau đó, xóm Khau Lai lần lượt làm thêm 2 tuyến đường bê tông có tổng chiều dài hơn 900m, ông Phạm Văn Chung lại tự nguyện dùng 238 triệu đồng của nhà để nộp toàn bộ tiền đối ứng trước. Bày tỏ về việc làm của mình, ông Chung nói ngắn gọn: Bà con rất tin vào chủ trương nhưng cuộc sống còn khó khăn nên họ chưa thể nộp đối ứng ngay chứ không phải do không đồng thuận. Mình là cán bộ phải làm trước, khi cần cũng phải hy sinh một chút thì mọi người mới tin theo, mọi việc mới thành công.

 

Cũng vì chủ trương đúng, đặc biệt là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên nên xóm Bản Cái (vừa được đưa ra khỏi danh sách các xóm đặc biệt khó khăn) đã làm được 8 tuyến đường bê tông dài trên 1,4km trong 2 năm qua. Bí thư Chi bộ Bản Cái, ông Nguyễn Đình Cót cho biết: Cùng với sự bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, công khai từ trong Chi bộ đến các cuộc họp cán bộ xóm và họp dân, chúng tôi quán triệt cán bộ, đảng viên tích cực phát huy vai trò hạt nhân trong cộng đồng, gương mẫu để người dân làm theo. Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Phan Văn Sáng là một tấm gương tiêu biểu. Gia đình ông ấy đã tiên phong hiến trên 3.000m2 đất các loại để làm đường. Ngoài ra có thể kể đến đảng viên Nguyễn Thị Phái (76 tuổi), người đã tình nguyện nộp đủ tiền đối ứng làm đường dù bản thân được giảm 50% do tuổi cao…

 

Khi cán bộ, đảng viên gương mẫu, người dân trong xóm dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã tích cực hiến đất, đóng góp để xây dựng hạ tầng. Tính trung bình, chỉ riêng làm đường giao thông, mỗi người dân xóm Bản Cái đã đóng góp 2,5 triệu đồng, có gia đình do nhiều nhân khẩu đã góp tổng cộng gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, người dân trong xóm cũng luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Hiện xóm chỉ còn 4 hộ nghèo trong tổng số 73 hộ, tiếp tục duy trì danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh, Chi bộ đạt Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. “Để đạt những kết quả đó, sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là rất quan trọng” - ông Nguyễn Đình Cót khẳng định.

 

Về xã Ôn Lương, chúng tôi còn được nghe nhiều người nhắc đến anh Nguyễn Quốc Phương ở xóm Đầm Rum, một điển hình làm kinh tế giỏi và hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Anh Phương vốn là một cán bộ Đoàn cơ sở có nhiều sáng kiến trong công tác đã được các cấp bộ Đoàn ghi nhận, một tấm gương tuổi trẻ mạnh dạn phát triển kinh tế. Vượt qua giai đoạn lập nghiệp vất vả, bằng tư duy nhạy bén và sự kiên trì, gia đình anh hiện có mô hình kinh tế tổng hợp cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm (chăn nuôi thường xuyên 200 con lợn siêu nạc, 4.700m2 mặt nước ao cá, trên 7.000m2 đồi rừng), được nhiều người dân trong vùng đến tìm hiểu, làm theo. Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình anh Phương cũng luôn gương mẫu trong các phong trào khác ở địa phương, gia đình anh vừa hiến gần 2.400m2 đất để làm đường trục xóm…

 

Ngoài những điển hình kể trên, xã Ôn Lương còn nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy tốt vai trò đầu tàu gương mẫu trong các phong trào. Không những gương mẫu, họ còn tích cực vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đoàn kết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thương thì đó là một động lực, yếu tố quan trọng để Ôn Lương, mặc dù là một xã miền núi khó khăn đã đạt được nhiều thành tích rất đáng kể trong những năm gần đây: Hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào tháng 9-2015; người dân hiến trên 300.000m2 đất các loại, đối ứng gần 5 tỷ đồng để làm hàng chục km đường bê tông và nhiều công trình phúc lợi khác; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao; thu nhập bình quân của người dân đạt 22,64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,4% (năm 2011 là 20,8%)…