Thời điểm này, người dân ở Làng nghề Mây, tre đan Phú Yên, xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu như tre, phấn, mây để đan thúng, rổ, xảo, rá… chuẩn bị cung ứng ra thị trường, phục vụ cho nông dân gieo cấy.
Nghề mây tre đan mà các hộ dân ở xóm đang làm có nguồn gốc từ xã Tiên Phong (Phổ Yên). Năm 2013, nghề mây, tre đan đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Năm 2014, Làng nghề Mây tre đan Phú Yên được Sở Công Thương chọn là 1 trong 20 làng nghề trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng Đề án Hỗ trợ Xây dựng website, giúp cho bà con có cơ hội, điều kiện để giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình. Hiện, cả xóm Phú Yên có 48 hộ thì có 32 hộ làm nghề. Trung bình mỗi năm, Làng nghề xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng trên dưới 30.000 chiếc rổ, xảo, thúng. |
Những năm gần đây, khi khoa học kỹ thuật tiến bộ thì việc người dân dùng thúng, xảo, rổ đan bằng tre để vận chuyên phân bón, phân chuồng phục vụ gieo cấy hoặc dùng rá, rổ được đan bằng mây, tre phục vụ sinh hoạt thường ngày không còn nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn huyện Phú Lương nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn “trung thành” với việc sử dụng bởi độ an toàn, bền chắc của sản phẩm mây, tre đan. Chính vì thế, nhiều hộ dân của Làng nghề Mây, tre đan ở xóm Phú Yên vẫn miệt mài đan lát, cung ứng ra thị trường những sản phẩm an toàn cho người dân, đặc biệt là vào thời điểm Tết Nguyên đán và vụ gieo cấy đang đến gần.
Chúng tôi đến Làng nghề Mây, tre đan Phú Yên - làng nghề chuyên sản xuất sản phẩm: rổ, xảo, rá, thúng bằng tre duy nhất trên địa bàn huyện Phú Lương. Được chứng kiến việc chuẩn bị nguyên liệu, quy trình làm ra một sản phẩm bằng tre đan, chúng tôi mới thấy sự tinh sảo, khéo léo của những “nghệ nhân” làng nghề. Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng Làng nghề Mây, tre đan Phú Yên cho biết: Quy trình làm ra một sản phẩm mây tre đan từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu hun thì công đoạn đan là phức tạp hơn cả, bởi để có một chiếc rổ đẹp phụ thuộc vào việc tay người đan có đều, chắc hay không. Tiếp đó là đến công đoạn nức (làm cạp), người nức chặt và đều thì chiếc rổ đó sẽ dùng được bền lâu. Ngoài ra khâu hun sản phẩm cũng quan trọng và khó làm, vì nếu hun không đúng kỹ thuật có thể sẽ gây cháy sản phẩm và không nhuốm màu vàng như ý, sản phẩm sẽ không đẹp.
Dạo một vòng quanh làng nghề Phú Yên, điều chúng tôi cảm nhận được là không khí khẩn trương và tấp nập của người dân trong làng. Nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu mây, tre, phấn… để phục vụ cho công việc đan lát. Ông Hoàng Đình Minh, một trong những người gắn bó lâu năm với nghề mây, tre đan của Làng nghề cho biết: So với những năm trước, hiện nay sản phẩm làm bằng mây, tre được tiêu thụ ít hơn nhưng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, vụ gieo cấy hoặc vụ gặt người dân vẫn dùng khá nhiều sản phẩm này. Để chuẩn bị các sản phẩm phục vụ thị trường Tết và nông dân gieo cấy, gia đình tôi đã đi thu mua nguyên liệu, gồm tre, phấn và dây mây ở các xã Phủ Lý, Yên Lạc và một số xã của huyện lân cận. Hiện nay, gia đình tôi đang hong mây, vót nan chuẩn bị tập trung làm hàng Tết. Dự kiến đợt này sẽ làm khoảng trên gần 400 chiếc xảo.
Ông Tạ Văn Đài, một hộ dân ở làng nghề chia sẻ: Vào đúng thời vụ, giá bán của sản phẩm mây tre đan thường cao hơn nhiều nên gia đình chuẩn bị khá kỹ để vào vụ chỉ tập trung đan, cung ứng sản phẩm ra thị trường. Về khâu chuẩn bị nguyên liệu, trong năm gia đình đi mua nguyên liệu ở các địa phương khác, nguyên liệu ở nhà trồng được để dành phục vụ dịp này, tránh trường hợp giá nguyên liệu tăng cao. Trung bình 1 năm, gia đình bán được trên 2.000 sản phẩm, chủ yếu là rổ, bán vào thời điểm trước mùa vụ và trước Tết Nguyên đán. Năm nay, gia đình cũng đã chuẩn bị được nguyên liệu, dự kiến sẽ xuất khoảng trên dưới 500 sản phẩm đợt Tết này.
Để nâng cao thu nhập từ nghề mây tre đan, duy trì, quảng bá được sản phẩm của làng nghề, hiện nay người dân Làng nghề Mây Tre đan Phú Yên đang có kế hoạch làm đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm bằng tre đan như làm lãng hoa, bàn ghế, mũ, đèn ngủ…