Xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh là một trong những làng nghề chè được công nhận đầu tiên của huyện Phú Lương. Những năm qua, người dân ở đây đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu chè của địa phương.
Chúng tôi đến xóm Gốc Gạo vào những ngày cuối năm, hai ven đường trục xóm là những vạt chè xanh non mơn mởn. Anh Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo cho biết: Xóm có 92 hộ dân với 358 nhân khẩu thì 100% bà con đều làm chè. Năm 2010 xóm được công nhận làng nghề chè đã là niềm động viên để bà con phấn đấu, tiếp tục đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Những năm qua, người dân đã tích cực đưa vào trồng nhiều giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, thay thế cho diện tích chè trung du già cỗi. Xóm hiện có gần 50ha chè, thì khoảng 2/3 diện tích là chè cành, chủ yếu với các giống như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…
Ở xóm Gốc Gạo, gia đình anh Đồng Văn Lợi không chỉ là hộ có diện tích chè cành lớn mà còn làm chè ngon có tiếng. Gia đình anh hiện có gần 1ha chè thì có đến trên 50% diện tích là chè cành, bình quân mỗi năm, thu trên 300 triệu đồng. Anh Lợi cho biết: Năm 2010, gia đình tôi bắt đầu chuyển dần diện tích chè trung du già cỗi sang trồng chè cành. Chỉ tính riêng diện tích chè cành, mỗi năm gia đình tôi thu trên 1 tấn chè búp khô, với giá bán bình quân 200 nghìn đồng/kg (cao gấp đôi so với chè trung du), thu trên 200 triệu đồng/năm.
Cùng với việc chuyển đổi sang trồng giống chè cành, người dân ở xóm Gốc Gạo cũng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, sản xuất và chế biến chè như: hệ thống tưới chè bằng van xoay tự động, sao sấy và vò chè bằng tôn quay điện, dùng máy hút chân không đóng gói chè… Hiện nay, ở xóm 100% số dân đều sử dụng van xoay để tưới chè; 100% số hộ sử dụng mô tơ điện sao sấy, vò chè; trên 10 máy hút chân không phục vụ việc đóng gói sản phẩm. Hệ thống tưới chè bằng van xoay được người dân Gốc Gạo sử dụng từ năm 2013. Đây là mô hình đầu tiên ở huyện Phú Lương do Sở Khoa học Công nghệ giới thiệu. Thời điểm đó, mặc dù được hỗ trợ 60% kinh phí lắp đặt nhưng nhiều hộ dân vẫn còn ngần ngại tham gia. Tuy nhiên, sau khi thấy hiệu quả, giảm được nhiều công lao động nên đến nay 100% số hộ ở xóm đều lắp đặt và đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Thế Hoàng, người dân trong xóm cho biết: Trước kia để tưới hết 7.000m2 chè, gia đình tôi phải có một người tưới liên tục trong khoảng 4 ngày. Nhưng nay khi dùng hệ thống van xoay tưới chè, chỉ cần lắp máy bơm toàn bộ diện tích chè sẽ được tưới, còn bản thân có thể đi làm việc khác.
Nhờ tập trung đầu tư chăm sóc nên năng suất và chất lượng sản phẩm chè của bà con làng nghề chè xóm Gốc Gạo ngày càng được nâng cao, Trung bình hằng năm bà con ở làng nghề chè xuất ra thị trường khoảng 90 tấn chè búp khô, tổng thu nhập khoảng hơn 15 tỷ đồng. Nhờ có cây chè nên đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Hiện xóm chỉ còn 2 hộ nghèo (giảm 8 hộ so với năm 2010); tỷ lệ hộ khá giàu chiếm tới 80%; thu nhập đạt gần 28 triệu đồng/người/năm.
Ông Phan Văn Tùng, Phó Chủ tịch xã Tức Tranh cho biết: Toàn xã hiện có 10 làng nghề chè, chiếm gần 50% tổng số làng nghề chè của huyện. Việc được công nhận làng nghề chè đã giúp người trồng chè có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống. Riêng làng nghề chè xóm Gốc Gạo, nhờ đầu tư chăm sóc, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản phẩm chè của bà con nơi đây ngày càng được khẳng định trên thị trường. Cùng với đó đã đầu tư về mẫu mã, bao bì nên sản phẩm đã được xuất bán ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Nam Định...