Nâng tầm thương hiệu sản phẩm chè

10:03, 15/01/2016

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, Đại Từ là huyện vùng núi, có diện tích tự nhiên trên 577km2. Dân số hiện nay khoảng 17 vạn người với 8 dân tộc anh em, trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, kinh tế của huyện được phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Đến với Đại Từ hôm nay, chúng ta không chỉ thấy cánh đồng lúa trải rộng trĩu bông, nương chè xanh ngút ngát mà còn có những cụm công nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ; thương mại dịch vụ ngày một đa dạng, phong phú; những khu dân cư được xây dựng mới, tiện ích và hiện đại… Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội có được thời gian qua chính là nhờ sự quyết tâm phấn đấu vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện. Cùng với những chính sách đổi mới, huyện đã tập trung mọi nguồn lực phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đại Từ đã được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp và thời kỳ đổi mới. Trong những năm qua, khắc phục những khó khăn, phát huy tiềm lực và thế mạnh của địa phương, Đảng bộ và chính quyền nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực cố gắng trong lao động sản xuất và ngày càng gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.

 

Trong đó, có thể nói, phát triển cây chè là một trong những thành tựu quan trọng huyện đạt được. Huyện được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu rất phù hợp cho phát triển cây chè. Tổng diện tích chè của huyện lớn nhất tỉnh, tới 6.333ha, chiếm 30,47% diện tích toàn tỉnh, trong đó, diện tích chè kinh doanh là 5.392ha, năng suất chè bình quân năm 2015 đạt 115 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 62.000 tấn. Cả 30 xã, thị trấn trong toàn huyện đều có nghề trồng chè. Đại Từ là vùng sản xuất chè có truyền thống lâu đời, nguyên liệu chè có chất lượng cao. Trong những năm qua, cây chè được huyện coi là cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, là cây giúp cho các hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

 

Xác định được vị trí vai trò của cây chè trong phát triển kinh tế xã hội, UBND huyện Đại Từ đã tiến hành quy hoạch phát triển cây chè và xác định bản đồ thổ nhưỡng cho phát triển cây chè đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua khảo sát đánh giá, toàn huyện có trên 10.000ha đất thích hợp cho phát triển cây chè, trong đó, điều đặc biệt là có 19 xã nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, núi Hồng, núi Chúa có điều kiện đất đai thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, tiểu khí hậu rất thích hợp cho phát triển cây chè và phát triển du lịch sinh thái. Chất lượng nguyên liệu chè xanh của huyện đã được các chuyên gia đánh giá và kiểm nghiệm có hàm lượng tannin dưới 30%, thấp hơn một số vùng chè lớn trong cả nước; nhưng hàm lượng đường khử chiếm 2,46% cao hơn các vùng chè khác trong cả nước rất phù hợp cho chế biến chè xanh. Với lợi thế và tiềm năng sẵn có của địa phương kết hợp với truyền thống cần cù lao động, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè của người nông dân, do vậy trong nhiều năm qua, sản phẩm chè tại Đại Từ đã và đang được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế; trong các hội thi chè ngon hoặc tham gia các hội chợ, chè Đại Từ đã đạt nhiều giải vàng về chất lượng.

 

Với mục đích nhằm tôn vinh cây chè, người trồng, chế biến chè và xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm Trà, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, Trà Việt Nam, huyện Đại Từ đã xây dựng Lễ hội Trà Đại Từ trở thành một hoạt động thường niên. Đây thực sự là ngày hội của các làng nghề, các doanh nghiệp và đông đảo người trồng, chế biến chè trong huyện, là cơ hội mở rộng giao lưu văn hóa và hội nhập để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các hoạt động tại Lễ hội có ý nghĩa thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy giá trị sinh hoạt văn hóa truyền thống, hấp dẫn, độc đáo của huyện Đại Từ góp phần tích cực vào thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè Đại Từ. Năm 2012 sản phẩm chè La Bằng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chè La Bằng”. Hai năm 2014, 2015 có 14 làng nghề chè thuộc các xã Phú Thịnh, Phú Xuyên, Phú Lạc, Yên Lãng, Tiên Hội, thị trấn Hùng Sơn được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề chè truyền thống, nâng tổng số làng nghề chè của huyện lên 24 làng nghề (trong đó có 23 làng nghề chè truyền thống, 1 làng nghề chè). Đến hết năm 2015 trên địa bàn huyện có 13 tổ hợp tác, 15 hợp tác xã sản xuất, chế biến và kinh doanh chè. 

 

Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của cây chè, huyện Đại Từ đã xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn, là một giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cây chè với mục tiêu triển khai thực hiện đồng bộ Quy hoạch phát triển cây chè; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến; thực hiện tốt biện pháp cải tạo giống, tiến hành trồng mới, trồng thay thế bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, từng bước tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng, an toàn; xây dựng các cơ sở chế biến với quy mô nhỏ và vừa, đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến; tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè Đại Từ; duy trì và phát triển hoạt động của các làng nghề sản xuất chè gắn với phát triển du lịch. Từ đó xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Đại Từ” góp phần cùng “Trà Thái Nguyên - nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa”.