Người dân còn nhiều băn khoăn

09:26, 19/01/2016

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định gia hạn cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến sẽ được kéo dài thời hạn chấm dứt hoạt động đến hết năm 2017 với điều kiện các cơ sở này phải lắp đặt hệ thống công nghệ xử lý khí thải. Đây một việc làm cần thiết nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do các lò gạch thủ công gây ra. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy định này đang phát sinh không ít băn khoăn, lo lắng từ phía người dân.

Theo lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh, toàn bộ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến sẽ phải chấm dứt hoạt động trước năm 2015. Tuy nhiên, đến tháng 6-2015, toàn tỉnh vẫn còn trên 300 lò gạch thủ công và thủ công cải tiến đang hoạt động. Trước thực trạng đó, một số địa phương đã đề nghị UBND tỉnh cho phép kéo dài thêm thời hạn để các cơ sở có thời gian thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp và tận thu hết nguồn nguyên liệu sẵn có. Ngày 18-8-2015, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2237/UBND-KTN về việc áp dụng công nghệ xử lý khí thải để điều chỉnh thời hạn chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung bằng lò gạch thủ công (gọi tắt là Quyết định 2237). Theo đó, UBND tỉnh cho phép các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến được kéo dài thời hạn chấm dứt hoạt động sản xuất đến hết năm 2017 với điều kiện các cơ sở phải đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí thải cho lò nung gạch đáp ứng các quy định về môi trường. Các cơ sở không lắp đặt hệ thống xử lý khí thải sẽ phải chấm dứt hoạt động trước ngày 30-9-2015.

 

Sau khi Quyết định này được ban hành, hầu hết các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công trên địa bàn tỉnh đều rất phấn khởi vì họ sẽ có thêm thời gian 2 năm để thực hiện việc chuyển đổi nghề nghiệp trước khi chấm dứt hoạt động vào năm 2017. Theo Quyết định 2237 của UBND tỉnh, trên địa bàn có 187 cơ sở đủ điều kiện đăng ký lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để được gia hạn thời gian hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có 8/187 cơ sở triển khai việc lắp đặt. Nguyên nhân được các chủ lò đưa ra là do chi phí lắp đặt hệ thống này quá cao (đối với lò gạch thủ công cải tiến là từ 250-300 triệu đồng, đối với lò thủ công là 300-350 triệu đồng) trong khi thời gian hoạt động chỉ còn 2 năm nên gần như không có khả năng thu hồi vốn cũng như khó có lãi nếu quy mô sản xuất của cơ sở không lớn hơn 1 triệu viên gạch/năm. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn đều có quy mô nhỏ hơn 1 triệu viên/năm.

 

Theo ông Dương Nghĩa Thọ, chủ lò gạch thủ công ở xóm Núi, xã Xuân Phương (Phú Bình): Việc lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để tránh ô nhiễm môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt quá cao trong khi thời gian hoạt động chỉ có 2 năm. Chừng đó thời gian còn không đủ để chúng tôi có thể thu hồi lại chi phí lắp đặt chứ chưa nói đến chuyện có thể thu lãi. Gia đình tôi có 2 lò với công suất 10 vạn viên gạch/mẻ. Mỗi năm gia đình tôi đốt được 9 mẻ với tổng sản lượng khoảng 90 vạn viên. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi được lãi khoảng 90 triệu đồng. Mặc dù rất muốn lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để tiếp tục hoạt động nhưng sau khi hạch toán kinh tế thì tôi đành chấp nhận dừng lò để chuyển sang làm nghề khác. Gia đình tôi có 5 nhân khẩu gắn bó với nghề này hơn 20 năm nay, giờ phải dừng hoạt động, tôi cũng chưa biết phải làm nghề gì để sinh sống. 

 

Bà Dương Thị Hảo, chủ lò gạch ở xóm Bún 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) băn khoăn: Chưa biết lắp đặt hệ thống xử lý khí thải sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường được đến đâu nhưng trước mắt phải bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng khiến chúng tôi rất băn khoăn. Gia đình tôi là hộ sản xuất nhỏ, tiền lãi từ sản xuất gạch mỗi năm được khoảng 100 triệu. Nếu lắp đặt hệ thống xử lý khí thải thì chắc chắn sau 2 năm gia đình tôi không thể thu hồi lại được vốn. Mong tỉnh xem xét gia hạn thêm thời gian hoạt động hoặc có cơ chế hỗ trợ người dân khi lắp đặt hệ thống xử lý khí thải để chúng tôi yên tâm sản xuất.  

 

Trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Phú Lương) trước đây có 30 lò gạch thủ công, thường xuyên  tạo công ăn việc làm cho trên 400 phạm nhân. Thực hiện Quyết 2237 của UBND tỉnh, từ tháng 9-2015 đến nay, 30 lò gạch thủ công của Trại giam đã dừng hoạt động. Từ đó đến nay, Ban Giám thị Trại giam vẫn đang loay hoay trong vấn đề giải quyết việc làm cho hơn 400 phạm nhân nói trên. Đại tá Lương Văn Đạo, Phó Giám thị Trại giam cho biết: Với chi phí lắp đặt hệ thống xử lý khí thải khoảng 300 triệu đồng/lò, thời gian hoạt động chỉ còn 2 năm thì rất khó để chúng tôi có thể thu hồi được lại vốn. Tuy nhiên, nếu dừng hoạt động thì hơn 400 phạm nhân sẽ không có việc làm, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý và giám sát phạm nhân của Trại giam. Quyết định của tỉnh thì chúng tôi tuyệt đối chấp hành nhưng quả thực đang khiến cho Trại giam gặp rất nhiều khó khăn.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Văn Binh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình cho biết: Toàn huyện có gần 70 cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò thủ công cải tiến nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 cơ sở đăng ký lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Đây đều là những cơ sở có sản xuất quy mô từ 1-3 triệu viên gạch/năm. Còn lại các cơ sở có quy mô sản xuất vừa và nhỏ đều đã dừng hoạt động. Ông Binh cho biết thêm: Lắp đặt hệ thống xử lý khí thải sẽ giúp giảm thiểu trên 90% lượng khí thải độc hại do lò thủ công gây ra khiến cho vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ không còn đáng lo ngại như trước nữa. Vì vậy, việc các chủ cơ sở đề nghị gia hạn thêm thời hạn chấm dứt hoạt động là chính đáng. Mong rằng tỉnh sẽ sớm xem xét và có quyết định hợp lòng dân. 

 

Theo thống kê của Sở Xây dựng, mỗi năm các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh cung cấp ra thị trường khoảng 70 triệu viên gạch/năm. Tuy nhiên, từ tháng 9-2015 đến nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công đã chấm dứt hoạt động. Thời điểm cuối năm cũng là lúc nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao, trong khi nguồn cung cấp gạch đã giảm đáng kể. Nhiều người lo lắng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm gạch ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vật liệu xây dựng trong thời gian tới. Mặt khác, trên 300 lò gạch dừng hoạt động đồng nghĩa với việc khoảng 4.500 lao động sẽ mất việc làm, gây nên những tác động không nhỏ về mặt xã hội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất gạch thủ công đều là lao động nông thôn chưa qua đào tạo nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp.

 

Trước thực trạng nêu trên, thiết nghĩ, tỉnh cần sớm xem xét đến đề nghị của các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công trên địa bàn về việc gia hạn thêm thời gian hoạt động hoặc có cơ chế hỗ trợ người dân thực hiện việc lắp đặt hệ thống xử lý khí thải nhằm giảm bớt những khó khăn cho người dân. Mặt khác, công tác chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống cho khoảng 4.500 lao động trong các cơ sở sản xuất gạch thủ công và việc bình ổn thị trường vật liệu xây dựng trong tỉnh khi các lò gạch thủ công dừng hoạt động cũng là những vấn đề đáng để các cơ quan chức của tỉnh lưu tâm.