Nhiều giải pháp nâng cao sản lượng lương thực

09:46, 05/01/2016

Thời gian gần đây, mặc dù đã trở thành thị xã nhưng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn luôn được Phổ Yên ưu tiên tập trung chỉ đạo, đầu tư. Vì vậy, tuy diện tích đất nông nghiệp liên tục bị thu hẹp song sản lượng lương thực của địa phương lại không ngừng tăng lên.

Thị xã Phổ Yên hiện còn khoảng 8.000ha đất nông nghiệp, giảm 277ha so với năm 2012 (trong đó, diện tích cấy lúa hiện có trên 4.000ha, còn lại là trồng các loại rau màu). Thế nhưng năm 2015, sản lượng lương thực của Thị xã vẫn đạt 61.300 tân, bằng 106,2% kế hoạch đề ra và tăng 2,3% so với năm trước. Về giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 90 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với cùng kỳ.

 

Để đạt được kết quả nêu trên, theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã, là do nhiều yếu tố, trong đó việc bà con nông dân tích cực đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất có vai trò quyết định. Trong các loại cây lương thực thì cây lúa vẫn đóng vai trò chủ lực. Nhìn vào cơ cấu giống lúa hiện nay có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt theo hướng tăng dần diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao sau mỗi vụ sản xuất. Nếu như trước đây, hầu hết bà con thường gieo cấy các giống lúa thuần, thì đến nay lúa lai đã có mặt ở khắp các xã, phường của thị xã Phổ Yên. Riêng năm 2015, diện tích gieo cấy lúa lai trên địa bàn đạt 2.738ha, tăng hơn 520ha so với năm 2014. Năng suất lúa bình quân tăng từ 45 tạ/ha (năm 2010) lên gần 50 tạ/ha (hiện nay).

 

Để lựa chọn được các giống cây phù hợp, có năng suất, chất lượng tốt, Thị xã thường xuyên tổ chức các mô hình trình diễn. Trong năm 2015, 12 mô hình trình diễn các giống cây trồng với quy mô 34ha như: lúa chất lượng cao mới Hoa khôi, Nam ưu 209, BG1, BG6, ngô LVN 152, NK 6410… Thông qua đây, bà con có cơ sở để đưa vào gieo cấy trong diện rộng các loại cây trồng đã được kiểm chứng qua thực tế tại địa phương, đạt hiệu quả cao. Một trong những mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả cao tại xã Hồng Tiến với giống ngô nếp HN88. Mô hình thực hiện từ tháng 8-2015 tại 2 xóm Đông Sinh và Hiệp Đồng với quy mô 15 ha với 113 hộ tham gia. Qua theo dõi, đánh giá kết quả cho thấy: Giống ngô này phù hợp trồng tại địa phương, cho năng suất cao, ước thu nhập đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ. Từ hiệu quả của mô hình, người dân sẽ gieo trồng trên diện rộng giống ngô này.

 

Bên cạnh việc lựa chọn giống cây trồng tốt, Thị xã cũng tích cực thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thay cho phương pháp gieo mạ, cấy tay như trước. Hiện nay các khâu làm đất, tưới tiêu, vận chuyển sản phẩm, thu hoạch đều được bà con đưa các loại máy móc vào sử dụng thay cho sức người. Điều này không chỉ giải phóng sức lao động cho nông dân mà còn giúp tiết kiệm giống, thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, năm 2015, với việc đưa máy cấy vào sản xuất tại một số cánh đồng đã giúp bà con chủ động về sản xuất mạ, khắc phục các điều kiện bất lợi của thời tiết, giảm chi phí giống, công lao động. Đây là bước tiến mới trong việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.

 

Việc thay đổi cơ cấu mùa vụ cũng góp phần làm tăng sản lượng lương thực của thị xã Phổ Yên. Nếu như trước đây, trong vụ mùa, phần lớn bà con đều cấy lúa mùa muộn, thì năm 2015 có tới 90% diện tích lúa được gieo cấy lúa mùa sớm, còn lại là mùa trung. Đồng thời, đẩy lùi thời vụ cấy lúa xuân với 99% diện tích thuộc trà xuân muộn. Điều này nhằm giúp bà con thu hoạch, giải phóng đất, có thời gian gieo trồng các loại cây màu vụ đông... Vì thế mà diện tích cây trồng vụ đông được mở rộng hơn, đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao tăng lên đáng kể như: Cây ngô là 2.127ha, vượt 9,8% so với cùng kỳ, đậu tương 121ha, vượt 4,7% so với cùng kỳ…

 

Từ sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, đặc biệt là sự sát sao, tích cực của ngành Nông nghiệp, thị xã Phổ Yên đã có được thành công trong sản xuất lương thực. Nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất lương thực năm 2016, Phòng Kinh tế, Trung tâm Khuyến nông Thị xã sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, UBND Thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, cung ứng kịp thời về giống, phân bón theo cơ cấu, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất. Tiến tới, thực hiện sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.