Vụ đông năm nay, người dân của 8/12 xóm ở xã Tân Quang T.P Sông Công đã tham gia mô hình phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trồng khoai tây ruột trắng trên diện tích 17,3ha. Tuy nhiên, do mưa lớn kéo dài nên diện tích khoai tây bị thiệt hại ước tính trên 250 triệu đồng. Hiện người dân đang mong mỏi Viện Sinh học Nông nghiệp và các cấp chính quyền có biện pháp hỗ trợ phần nào …
Còn hơn 20 ngày nữa mới vào vụ thu hoạch song ở thời điểm này, nhiều hộ nông dân xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã tiến hành dỡ nhổ khoai tây sớm vì cây còi cọc, củ nhỏ và bị vỡ, nứt. Được biết, ngay từ đầu vụ, 70% diện tích khoai tây của xã đã bị ngập úng và chết ngay từ khi mới trồng cây giống; 30% diện tích còn lại, mặc dù được người dân tích cực chăm bón nhưng sinh trưởng, phát triển rất kém, khả năng không cho thu hoạch là rất cao.
Anh Nguyễn Thiện Hiệp, cán bộ nông nghiệp xã Tân Quang cho biết: Qua kiểm tra diện tích khoai tây tại 8 xóm, chúng tôi ước tính, trung bình các ruộng chết trên 63% diện tích cây giống, đặc biệt các xóm Làng Dỗ, Tân Mỹ 2, Tân Mỹ 1 thiệt hại tới trên 70%. Tại cánh đồng Cầu Duối, xóm La Chưỡng, chị Mai Thị Hảo đang thu hoạch sớm ruộng khoai tây của gia đình. Chị chia sẻ: khoai tây củ nhỏ, bị nứt, không đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn của đơn vị thu mua nên tôi phải dỡ trước thời hạn. Ở vụ đông năm ngoái, tôi đã trồng 3 sào khoai tây, khi thu hoạch được 15 tạ. Trừ hết chi phí còn thu lãi được 6 triệu đồng. Năm nay, cũng diện tích đấy nhưng khi thu hoach còn không đủ lượng khoai giống để trả cho Viện Sinh học nông nghiệp.Được biết, xóm La Chưỡng có 54 hộ trồng khoai vụ này thì có đến 15 hộ mất trắng toàn bộ diện tích.
Ở vụ đông năm 2014, UBND xã Tân Quang đã liên kết với Viện Sinh học Nông nghiệp triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất khoai tây trên diện tích 16,5ha. Tham gia mô hình có 186 hộ dân của 8 xóm. Theo mô hình liên kết 4 nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà nông. Trong đó, người dân được tạm ứng cây giống; hướng dẫn, tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc; cấp miễn phí loại thuốc đặc trị bệnh sương mai trên giống khoai tây. Người dân sẽ tự chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch sẽ trả đối ứng sản phẩm cho Viện theo điều kiện: 1kg giống trả quy đổi 3kg khoai tây thương phẩm. Ngoài ra, toàn bộ khoai tây thành phẩm còn lại sẽ được Công ty Orion thu mua theo tiêu chuẩn quy định của Công ty. Kết quả sản xuất vụ đông năm 2014, năng suất khoai tây trung bình mỗi ha đạt 11-14 tấn, giá trị sản xuất đạt trên 80 triệu đồng/ha/vụ, người dân thu nhập trung bình đạt trên 45 triệu đồng, cao hơn so với trồng ngô cùng vụ khoảng 2-2,5 lần.
Với tinh thần phấn khởi, vụ đông năm nay, 153 hộ dân của 8 xóm tiếp tục tham gia trồng, tăng diện tích lên 17,3ha. Trong đó, người dân ở các xóm Tân Tiến, La Chưỡng, Bài Lài tham gia trồng nhiều nhất. Tuy nhiên, tình trạng mất mùa do thời tiết khiến người dân không đủ sản phẩm trả quy đổi cho Viện và không bán được cho Công ty Orion theo như hợp đồng. Ông Dương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Theo hợp đồng, nếu do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất thì hai bên sẽ bàn bạc cụ thể, thống nhất phương án thanh toán hợp lý. Để giảm thiểu thiệt hại cho người dân tham gia mô hình, chúng tôi đã đề nghị Viện Sinh học Nông nghiệp phối hợp cùng UBND xã tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương, để cùng bàn bạc tìm giải pháp hỗ trợ cho các hộ dân tham gia dự án. Tuy nhiên, hỗ trợ ra sao thì cũng chưa có phương án cụ thể.
Về phía T.P Sông Công, ông Trần Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế Thành phố thông tin: Chúng tôi đã nhận được báo cáo của xã Tân Quang về mức độ thiệt hại trong sản xuất khoai tây vụ đông. Hiện nay Phòng đã tổng hợp và gửi UBND Thành phố để đề nghị có mức hỗ trợ cho người dân.