Tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi

14:58, 18/01/2016

Những tháng gần đây, thông tin một số hộ dân trên địa bàn tỉnh sử dụng chất cấm Salbutamol để tạo nạc, tăng trọng cho gia súc khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn chặn và đẩy lùi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực vào cuộc.

Cùng Đoàn kiểm tra của Thanh tra Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) tỉnh đi kiểm tra tại một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, đa số người dân đều đã nắm được những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng. Ông Ngô Thế Tuấn, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Núi Chùa, xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết: Nhà tôi nuôi 18 con lợn nái và 100 con lợn thịt, trung bình 1 năm xuất bán trên 10 tấn thịt lợn hơi. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chúng tôi tuân thủ chặt chẽ các quy trình chăm sóc như: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Thức ăn chăn nuôi chúng tôi mua của Công ty TNHH Ngôi Sao Hy Vọng ở T.X Phổ Yên. Vừa rồi, tôi cũng có nghe trên tivi nói về mối nguy hại khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể gây ung thư. Từ trước tới giờ, gia đình tôi chỉ nuôi lợn bằng những thức ăn được mua ở những công ty có uy tín chứ chưa dám sử dụng những thức ăn không rõ nguồn gốc, bởi lo sợ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân, gia đình và sợ mất khách hàng, không tiêu thụ được lợn.

 

Còn anh Đặng Ngọc Lợi, Quản đốc Xí nghiệp Chăn nuôi Phổ Yên, ở xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) thì cho biết: Xí nghiệp chúng tôi chuyên ấp nở trứng gia cầm, trong đó có bán sản phẩm gà thải loại. Chúng tôi thường xuyên tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, từ khâu mua thức ăn, thuốc thú y đến khâu xuất bán đều có kiểm dịch về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Mặc dù nắm được những nguy hại về chất cấm khi sử dụng trong chăn nuôi, nhưng vẫn có một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình sử dụng vì mối lợi trước mắt. Được biết, trong năm 2015, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 74 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 20 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, lấy 41 mẫu thức ăn thức ăn chăn nuôi kiểm tra chất chính và chất cấm. Kết quả, có 4 mẫu thức ăn vi phạm, trong đó có 3 mẫu vi phạm về chất chính và 1 mẫu vi phạm có chất Salbutamol. Mới đây, ngày 6-1-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đến kiểm tra tại nhà các ông: Dương Văn Dậu, xóm Ngoài, xã Tân Đức; Nguyễn Văn Năm, ở xóm U, xã Tân Hòa (Phú Bình). Đoàn đã lấy 3 mẫu nước tiểu lợn thử test nhanh tại chỗ và cho kết quả dương tính với chất Clenbuterol và Salbutamol (đây là các chất tạo nạc cấm sử dụng trong chăn nuôi).

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nông Xuân Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chỉ thị của UBND tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề chất cấm trong chăn nuôi gia súc và chất vàng O trong chăn nuôi gia cầm. Theo đó, trong thời gian từ tháng 10-2015 đến hết tháng 2-2016, ngành Nông nghiệp tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn, gà… Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các trang trại, cơ sở giết mổ, các chợ, siêu thị, nơi kinh doanh sản phẩm được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm… Kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm theo các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền rộng rãi về những nguy hại của sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, gây tổn hại đến sản xuất ngành chăn nuôi.

 

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại địa phương mà còn khẳng định và xây dựng được uy tín thị trường, tạo đà để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.