Vì màu xanh của những tán rừng ATK

10:11, 23/01/2016

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn, đặc biệt là diện tích rừng đặc dụng gắn với các di tích lịch sử, các cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa luôn nỗ lực hết mình. Đồng thời, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng liên quan và huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác này.

Mới đây, chúng tôi có dịp tham gia một cuộc tuần tra rừng đặc dụng tại xã Phú Đình (Định Hóa) cùng với các lực lượng chức năng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên nhưng không hề đơn giản của những người bảo vệ khu rừng gắn liền với Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Như thường lệ, Tổ tuần tra gồm đại diện các lực lượng theo Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng: Cán bộ của Trạm Kiểm lâm số 1 xã Phú Đình, Công an xã, đại diện Tổ quần chúng bảo vệ - phòng cháy, chữa cháy rừng xóm Đèo De và 1 cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Đến cửa rừng, qua con suối nhỏ đầu tiên, ai nấy buộc chặt hơn dây giầy của mình để bắt đầu leo dốc, hướng lên những tán rừng xanh mướt. Những cơn mưa cuối đông khiến lối mòn nhỏ trong rừng trở nên trơn trượt, việc di chuyển vì thế rất vất vả. Tuy vậy, câu chuyện dọc đường của mọi người vẫn khá rôm rả, nhất là khi bắt gặp những cây gỗ lớn hoặc các loại thảo mộc quý hiếm. Do nhiều năm được bảo vệ nghiêm ngặt, rừng tự nhiên trong khu vực này đang tái sinh khá nhanh. Các loại cây họ tre, nứa ken dầy phía dưới, vươn cao hơn là những cây thân gỗ lớn như táu mật, táu muối, lim vang, tu va, bồ đề, trẩu, khế rừng…

 

Câu chuyện của các thành viên trong đoàn dần tỷ lệ nghịch với quãng đường tuần tra rừng, vì ai nấy đều “bận”… thở. Thiên nhiên như thấu hiểu và muốn đền đáp cho nỗi nhọc nhằn của những người leo núi, tuần rừng nên càng lên cao, quang cảnh càng quang đãng, mọi người có thể phóng tầm mắt thỏa sức chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn sự hùng vĩ và giàu có của núi rừng nơi đây. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1 xã Phú Đình, anh Phạm Thành Long chia sẻ: Công việc khá vất vả nhưng càng gắn bó với rừng chúng tôi càng thấy yêu rừng, yêu nghề nhiều hơn, tự hào vì những đóng góp của mình trong việc bảo vệ rừng cảnh quan ATK.

 

Trạm Kiểm lâm số 1 xã Phú Đình có 3 thành viên, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 7.500ha đất lâm nghiệp, trong đó có 2.500ha diện tích rừng đặc dụng gắn với các di tích lịch sử quan trọng tại 3 xã Phú Đình, Điềm Mặc và Bình Thành (khu vực trọng điểm về rừng đặc dụng của huyện Định Hóa). Xa nhà, phần lớn thời gian các anh ở tại Trạm để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài việc cắt cử người trực thường xuyên, Trạm là nòng cốt trong việc phối hợp với các lực lượng tại địa bàn tổ chức tuần tra rừng. Qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (riêng năm 2015, Trạm đã phát hiện và đề nghị xử lý 15 vụ vi phạm); hướng dẫn, hỗ trợ các Tổ quần chúng bảo vệ - phòng cháy chữa cháy rừng của các xóm và các tổ chức, cá nhân được giao khoán bảo vệ rừng thực hiện tốt nhiệm vụ; tập huấn, hướng dẫn người dân các kỹ thuật về trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngoài ra, giải pháp quan trọng và mang tính bền vững là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Trạm thực hiện hiệu quả thông qua nhiều hình thức linh hoạt. Vì vậy, nhiều năm trên địa bàn không còn tình trạng người dân tự ý đốt phá rừng để làm nương rẫy, không xảy ra cháy rừng, số vụ vi phạm lâm luật giảm dần và đa số là những vụ nhỏ.

 

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho rằng: Do cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền tốt nên ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Thay vì phá rừng như trước, giờ đây bà con tích cực tham gia bảo vệ rừng đặc dụng, trồng rừng sản xuất để nâng cao thu nhập… Cũng nói về điều này, bà Trương Thị Mai ở xóm Bản Bắc 1, xã Điềm Mặc, bộc bạch: Trước kia, đời sống khó khăn nên bà con hay vào rừng chặt cây, lấy măng đem bán. Giờ được cán bộ tuyên truyền và mọi người cũng trực tiếp nhìn thấy giá trị của rừng nên cùng nhau bảo vệ, không chặt phá, không đốt rừng nữa.

 

Không chỉ tại 3 xã vừa nêu mà tất cả các xã, thị trấn của huyện Định Hóa đều có quy hoạch rừng đặc dụng cảnh quan với tổng diện tích 7.540ha, ngoài ra còn có gần 9.000ha rừng phòng hộ và trên 13.700ha rừng sản xuất. Đó là nhiệm vụ nặng nề trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa và các địa phương trong huyện do địa bàn rộng, phức tạp và lực lượng chuyên trách mỏng.

 

Ông Trần Minh Hà, Trưởng Ban quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngoài phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chúng tôi quan tâm phối hợp với các lực lượng liên quan và chính quyền cấp xã trong quản lý, bảo vệ rừng. Một trong những thuận lợi cơ bản đối với chúng tôi là sự tham gia tích cực của người dân, thể hiện ở việc họ nhận khoán bảo vệ rừng, tham gia các Tổ quần chúng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng, không tự ý khai thác và phá rừng bừa bãi… Vì vậy, những năm trở lại đây trên địa bàn không xảy ra những vụ phá rừng lớn, không có cháy rừng gây thiệt hại đáng kể, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng chuyển biến tích cực.

 

Cũng theo ông Trần Minh Hà, năm qua, lực lượng kiểm lâm của Ban đã phát hiện, xử lý 127 vụ vi phạm, tịch thu trên 185m3 gỗ các loại, xử phạt và bán lâm sản vi phạm được gần 520 triệu đồng. Điều đó cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn tiềm ẩn những khó khăn, phức tạp. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai tốt các giải pháp đã phát huy hiệu quả, Ban quản lý rừng ATK Định Hóa sẽ đẩy mạnh thực hiện các dự án tạo sinh kế cho người dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho bà con và ý thức trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ rừng.