Chọn quê hương là nơi khởi nghiệp

15:19, 27/02/2016

Dù còn khá trẻ nhưng với tinh thần quyết đoán, chàng thanh niên Nguyễn Đình Doanh (sinh năm 1988) xóm Bình Định, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) đã có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm từ mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả, nuôi rắn hổ mang trên chính mảnh đất quê hương mình.

Không khó để chúng tôi tìm thấy nhà anh Doanh khi từ trung tâm xã Bình Sơn, men theo con đường dẫn sang xã Thịnh Đức (Thành phố Thái Nguyên), ngay sát cầu Bình Định là khu vườn rộng với hàng trăm gốc, chậu cây hoa cảnh xếp gọn ghẽ. Hiện, khu vườn rộng gần 5.000m2 của gia đình anh Doanh đã được phủ xanh với gần 1.000 gốc Đỗ Quyên, hơn 100 gốc vú sữa, tùng, 500 gốc Mộc Lan..., hơn 300 gốc cây ăn quả gồm các loại bưởi, ổi, táo, mít. Ngoài ra còn ao cá, khu nuôi rắn hổ mang.

 

Nói về việc phát triển kinh tế, anh Doanh cho biết: Năm 2011 tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, vì không xin được việc làm đúng ngành nên tôi đi làm công nhân ở Hà Nội. Cuộc sống xa gia đình, xa vợ với nhiều khó khăn, bấp bênh, sau 2 năm, tôi quyết định trở về quê hương tìm hướng làm kinh tế. Vốn ham thích trồng cây cảnh, lại thêm sẵn có khu vườn rộng rãi của gia đình nên tôi mua các giống cây cảnh về trồng. Ban đầu, tôi nhập chủ yếu là Đỗ Quyên, Mộc Lan bởi đây là những loại cây hoa cảnh được người dân ưa chuộng. Ngoài trồng, chăm sóc để có những chậu hoa cảnh đẹp, tôi thường giâm, chiết, tạo thêm nhiều cây giống để cung cấp cho các nhà vườn trên địa bàn thành phố. Trung bình mỗi năm, vườn cây hoa cảnh này cũng cho thu nhập được trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm các loại cây công trình như si, vú sữa, tùng..., những cây này không tốn nhiều công chăm sóc, là cây lấy bóng mát nên tôi trồng khoảng 100 gốc trong vườn, để lâu năm càng được giá.

 

Vừa trò chuyện, chúng tôi cùng anh đi một vòng quanh vườn, từ vườn hoa cảnh đến khu trồng cây ăn quả, ao cá. Khu vườn cây ăn quả hơn 300 cây các loại mới được 3 năm tuổi nên năm qua, gia đình anh Doanh mới thu về được hơn chục triệu đồng, trong đó chủ yếu từ cây táo. Khu ao cá rộng hơn 700m2, mỗi năm anh thả gần 500 cá giống trắm, chép, trung bình thu về hơn 20 triệu đồng. Anh Doanh bảo, trồng cây cảnh, cây ăn quả, nuôi cá, anh đảm nhiệm về kỹ thuật như cắt tỉa, giâm cành, bắt bệnh cho cây trồng, con giống, những việc khác như chăm sóc, tưới bón cho cây là người thân trong gia đình anh đều phụ giúp. Vì vậy cuối năm 2012, khi thấy mô hình nuôi rắn hổ mang cho nguồn lợi kinh tế cao, anh Doanh đã đến tận tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu, tháng 4 năm 2013 anh trở về xây dựng chuồng trại, nuôi khởi đầu với 70 con. Cuối năm 2013, với giá bán trung bình 700 nghìn đồng /kg, 80 nghìn đồng /quả trứng, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Những năm tiếp theo số rắn tăng dần, năm 2015, anh nuôi hơn 500 con, sau khi xuất bán, anh thu về hơn 100 triệu đồng từ rắn thương phẩm, 100 triệu đồng từ trứng. Hiện trong chuồng, anh Doanh đang giữ nuôi khoảng gần 200 con rắn giống.

 

Theo anh Doanh, rắn hổ mang là loài động vật hoang dã mới được thuần hóa, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, tuy nhiên phòng bệnh tổng hợp là cách tốt nhất. Cần chú ý chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, đảm bảo đủ nguồn dinh dưỡng. Rắn ăn các loại như cóc, ếch, nhái, chuột, gà, chim, trứng... Vì rắn nhịn ăn giỏi nên một tuần chỉ cho ăn từ 1-2 lần, tuy nhiên nước phải thay thường xuyên, đảm bảo đủ nước uống hoặc tắm vì nước rất quan trọng trong giai đoạn lột da, tăng độ ẩm khi thời tiết hanh khô. Khu nuôi nhốt được xây trên nền gạch cao, chia theo từng ô, dài khoảng 50cm, cao 40cm, rộng 30cm, có hệ thống lỗ thông hơi ở gầm, trên có nắp đậy là lưới sắt hoặc gỗ ghép, đảm bảo an toàn, sạch sẽ, không lầy lội. Cứ 5 ngày cho ăn và 10 ngày vệ sinh chuống 1 lần. Ưu điểm của nuôi rắn là 1 vụ nuôi rắn thịt chỉ từ 5-6 tháng (tháng 5-tháng 11), từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau là thời kỳ ngủ đông, không cần cho ăn. Rắn nếu nuôi lâu dài trong nhà thì càng hung dữ, hay tấn công người, do vậy, gần tết là phải bán toàn bộ số rắn thịt.

 

Nhờ am hiểu rõ về loài rắn mà từ khi nuôi đến nay, đàn rắn luôn phát triển tốt và đem lại lợi nhuận cao cho gia đình anh. Thời gian tới anh Doanh sẽ thêm bận rộn hơn khi mà ngoài việc duy trì các công việc với vườn hoa, cây cảnh, thả cá, nuôi rắn thì anh còn chăm sóc hơn 2ha với 2.000 gốc cam Vinh, 300 gốc chanh đào, xen canh 5.000 gốc khoai môn mới ươm trồng tháng 10 năm 2015. Mạnh dạn vay vốn Ngân hàng hơn 300 triệu để thuê lại khu vườn đồi rộng hơn 2ha, đầu tư cây giống..., bản lĩnh dám nghĩ dám làm cùng ước mơ làm giàu không bao giờ làm đôi tay anh Doanh ngưng nghỉ.

 

Mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Đình Doanh không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn là tấm gương sáng, góp phần cổ vũ phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp tại quê hương.