Ngày 4-2, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tham dự Lễ ký kết để xác thực lời văn Hiệp định TPP tại Auckland, New Zealand. Cùng ngày, Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định bằng 3 thứ tiếng gồm tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký xác thực lời văn Hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận song phương này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP.
Ngay sau khi diễn ra Lễ ký kết, trong ngày 4-2, Bộ Công Thương đã công bố toàn văn Hiệp định TPP bằng 3 thứ tiếng gồm tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha đã được các nước ký xác thực lời văn và có giá trị pháp lý như nhau tại địa chỉ: http://tpp.moit.gov.vn/
Bên cạnh đó, nhằm mục đích đáp ứng kịp thời và đầy đủ hơn nhu cầu thông tin của các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Bộ Công Thương cũng công bố bản dịch tiếng Việt do các bộ, ngành có liên quan thực hiện. Mặc dù phải thực hiện trong một thời gian ngắn với khối lượng văn kiện rất lớn nhưng các bộ, ngành đã cố gắng đảm bảo tính chính xác tối đa về mặt nội dung và sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các bản dịch này trong thời gian tới.
Sau hơn 5 năm đàm phán với hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng, các nước TPP đã chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định vào ngày 5-10-2015 tại Hội nghị Bộ trưởng tại Atlanta, Hoa Kỳ. Hiệp định bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, doanh nghiệp nhà nước...
Các nước tham gia Hiệp định TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ.