Công nghiệp sẵn sàng ra "biển lớn"

08:42, 10/02/2016

Bước vào năm 2016, ngành Công nghiệp của tỉnh rất tự tin bởi chưa khi nào năng lực cũng như giá trị sản xuất toàn ngành lại ở thế vững chãi như hiện nay. Nhiều khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tạo dựng được sức ảnh hưởng nhất định đối với thị trường trong nước và thế giới. Đó chính là tiền đề quan trọng để giúp ngành kinh tế mũi nhọn này ở địa phương sẵn sàng bước vào cuộc chơi mới nhiều cam go...

Cũng như một vài năm gần đây, năm 2015, điều kiện kinh tế tiếp tục khó khăn kéo theo những trở ngại không nhỏ đối với sản xuất công nghiệp ở địa phương. Nhưng rào cản khó khăn đó đã được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn từng bước gỡ bỏ, tạo ra thế phát triển mới mạnh hơn so với những năm trước. Theo đánh giá của ngành Công Thương, nhịp độ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm qua đã đạt mức kỷ lục với giá trị khoảng 365 nghìn tỷ đồng. So với 5 năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng gấp cả chục lần. Điều đáng quan tâm là ngoài những mặt hàng sản xuất đang phát triển mạnh như điện tử, viễn thông thì những sản phẩm công nghiệp truyền thống là sắt thép, xi măng, may mặc cũng đạt khá cao, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh cán đích sớm.

 

Ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, năm 2015 hầu hết các lĩnh vực trong ngành Công nghiệp đều chịu tác động xấu từ thị trường, nhất là khai khoáng, luyện kim, chế biến... Trong khi đó, tuy chính sách tài chính, ngân hàng có chuyển biến, nhưng việc tiếp cận vốn vay của các thành phần kinh tế còn khó, sức mua giảm. Tất cả điều này những tưởng sẽ khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên trầm lắng, nhưng thực tế lại không hẳn như vậy. Sự sôi động bắt đầu từ khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lan dần sang khu vực trong nước và tạo khí thế chung cho các thành phần kinh tế hoạt động.

 

Trong điều kiện chúng ta đã và sẽ tham gia các sân chơi chung của khu vực và thế giới thì việc có một nền tảng công nghiệp đủ mạnh là rất cần thiết. Những năm gần đây, chúng ta có một dòng sản phẩm mang tính hội nhập cao và đang tạo đột biến cả về sản lượng và giá trị sản xuất, đó là các sản phẩm điện tử, viễn thông. Kết thúc năm 2015, nhóm sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng mang thương hiệu Samsung xuất hiện với số lượng đạt được khoảng 103 triệu chiếc, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2014 và đạt kim ngạch xuất khẩu tới 15 tỷ USD. Có được kết quả đó, chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực và to lớn của nhà đầu tư hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc - Tập đoàn Samsung. Đơn vị này chuyên sản xuất hàng điện tử công nghệ cao với các dây chuyền công nghệ tiên tiến bậc nhất đặt tại Khu công nghiệp Yên Bình (T.X Phổ Yên). Chính Tập đoàn này đã kéo theo chuỗi các dự án sản xuất linh, phụ kiện khổng lồ phục vụ hoạt động lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm điện tử cho thương hiệu Samsung. Năm 2014 mới chỉ có khoảng trên dưới 30 dự án phụ trợ thì đến nay con số đã tăng lên trên 50 dự án. Hiện tại, không khó để có thể nhận biết một quy mô sản xuất lớn mang tính liên kết chuỗi đang tồn tại và phát triển trong các Khu công nghiệp của tỉnh.

 

Trao đổi về khả năng đóng góp cho ngành Công nghiệp của tỉnh, ông Han Myung Sub, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam khẳng định: Mặc dù thời gian qua chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi dây chuyền sản xuất của Samsung, nhưng chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện để kích thích phát triển công nghiệp phụ trợ ở địa phương. Với mỗi một quốc gia, địa phương, khi công nghiệp phụ trợ phát triển thì khả năng hội nhập và tăng trưởng bền vững sẽ rất cao.

 

Cùng với sự xuất hiện và tăng trưởng vượt trội của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài với các sản phẩm công nghệ cao là sự trở lại vững vàng hơn của khối các doanh nghiệp trong nước mà chủ yếu là sản phẩm truyền thống. Điển hình là Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên Xi măng Quang Sơn... với giá trị sản xuất trong năm đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Trong một cuộc trao đổi mới đây với báo chí, ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo khẳng định, giá trị sản xuất của đơn vị sẽ tăng mạnh trong một vài năm tới và duy trì ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 250 đến 300 triệu USD, nộp ngân sách từ 500 đến 1.000 tỷ đồng (tất nhiên là phụ thuộc vào giá hàng hóa thế giới).

 

Năm 2016 tiếp tục được nhận định là năm tình hình kinh tế còn tiềm ẩn khó khăn, nên chắc chắn việc phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp địa phương truyền thống còn chưa hết gian nan. Tuy nhiên, với thành quả đã đạt được trong năm trước, bước vào năm 2016, mục tiêu mà tỉnh đặt ra rất cao: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 20% so với ước thực hiện năm 2015. Trong đó, công nghiệp Trung ương ước đạt 16.100 tỷ đồng; công nghiệp địa phương 16.600 tỷ đồng và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 405.300 tỷ đồng. Ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, sở dĩ chúng ta đặt mục tiêu cao như vậy là bởi khả năng sản xuất công nghiệp của tỉnh đang mạnh dần lên, các dự án quy mô lớn, đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất cơ bản hoạt động ổn định. Một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Tuy hiện tại công nghiệp của tỉnh đang đạt giá trị khá cao, song chúng ta cũng phải nhận thấy rằng trên thực tế bản thân từng khu vực công nghiệp cũng như cá nhân mỗi DN sản xuất công nghiệp vẫn còn những điểm cần khắc phục. Hiện nay toàn tỉnh đang có trên 4.000 DN, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Theo khảo sát chuyên môn, đây là những DN chịu tác động nhiều nhất khi tham gia hội nhập, trong khi hầu hết các DN nhỏ và vừa của chúng ta đều thiếu tiềm lực kinh tế, năng lực cạnh tranh. Chúng ta cũng phải thừa nhận, tốc độ phản ứng trước hội nhập của không ít DN trên địa bàn còn khá chậm. Sự sẵn sàng tham gia sân chơi chung vẫn ở mức độ thấp. Một số ý kiến cho rằng không ít DN trên địa bàn chưa có chiến lược phát triển dài hạn, trình độ năng lực quản lý thấp, nên sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ cạnh tranh...

 

Nhằm giúp ngành Công nghiệp nói chung và các DN sản xuất công nghiệp nói riêng có thể sẵn sàng vươn ra "biển lớn", tỉnh ta đã và đang quan tâm đến các cơ chế chính sách, đề ra nhiều giải pháp, phương án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, bản thân các DN cũng như nội tại ngành Công nghiệp cũng đang nỗ lực cải thiện khả năng phòng vệ trước sức ép cạnh tranh.

 

Chúng ta đều biết, chủ đạo của nền kinh tế địa phương chính là ngành Công nghiệp. Nói vậy bởi trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp đang chiếm tỷ trọng cao hơn cả. Việc giành thế chủ động cho ngành Công nghiệp ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn bởi ngoài tiêu chí hội nhập còn là vì thời gian thực hiện mục tiêu trở thành "tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại" của tỉnh không còn nhiều.