Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Dương Thành (Phú Bình) luôn tập trung tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân tại địa phương.
Dương Thành là một xã thuần nông của huyện Phú Bình với 1.936 hộ dân và khoảng 7.400 nhân khẩu. Cách đây 5 năm, cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn do thiếu điện, đường giao thông lầy lội, tập quán canh tác nông nghiệp lạc hậu... khiến nghèo đói cứ đeo đẳng bà con mãi. Vài năm trở lại đây, UBND xã Dương Thành đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương. Từ đó, xã đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương giảm nghèo hiệu quả và kinh tế phát triển bền vững của huyện.
Theo ông Dương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Dương Thành thì xã có tiềm năng, lợi thế về đất đai cũng như một số điều kiện tự nhiên khác để phát triển chăn nuôi. Do đó, hàng năm, xã luôn duy trì ổn định đàn gia súc khoảng 15.000 con và đàn gia cầm trên 12.000 con, với trên 30 trang trại và gia trại. Bình quân, giá trị thu được từ chăn nuôi ước đạt 8 tỷ đồng/ năm. Để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, xã đã tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, chủ động mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tư vấn cho người dân về cách lai tạo, lựa chọn con giống tốt, chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Giúp người dân định hướng chăn nuôi lâu dài bằng việc phát triển các cây trồng làm thức ăn trong chăn nuôi như các giống ngô cao sản, khoai lang, sắn và các cây rau màu khác.
Với những cách làm năng động này, từ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán, nhiều hộ dân đã từng bước hình thành những trang trại, gia trại cho hiệu kinh tế quả cao. Nhiều gia đình đã đầu tư hàng tỷ đồng để mua con giống chất lượng cao, xây dựng chuồng trại quy mô lớn. Đơn cử như trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Dương Văn Tuấn ở xóm Giàng. Từ việc chăn nuôi gia cầm thất bại, năm 2015, bằng nguồn vốn tích lũy được và vay vốn ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện, anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng khu chuồng trại khép kín, diện tích 3.000m2 để nuôi 180 con lợn nái lai 2 máu và khoảng 200 con lợn thịt/ lứa. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nên mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh Tuấn thu lãi khoảng 1 tỷ đồng từ xuất bán con giống và lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/ người/ tháng.
Cùng với việc tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, người dân xã Dương Thành còn tích cực đưa các giống lúa lai, cây màu (như: dưa chuột xuất khẩu, ớt và rau xanh các loại) cho năng suất cao vào gieo trồng. Nhờ đó, giá trị thu nhập bình quân trên một hec ta đất canh tác đạt xấp xỉ 80 triệu đồng. Chỉ tính riêng năm 2015, sản lượng lương thực của toàn xã đạt trên 4.000 tấn. Anh Trần Văn Hưng, trưởng xóm Quyết Thắng cho biết: Năm 2013, sau khi được tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn do huyện tổ chức, hơn 30 hộ dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi những chân ruộng trồng lúa năng suất kém sang trồng rau xanh các loại, với diện tích gần 1ha. Theo đánh giá của bà con, so với cấy lúa, trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần. Rau an toàn của xóm được chăm sóc đảm bảo quy trình từ việc dùng nước giếng khoan để tưới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định nên rất dễ tiêu thụ ngoài thị trường. Nhờ trồng rau, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và tích cực tham gia các phong trào do xóm phát động, tổ chức.
Với cách lãnh, chỉ đạo đúng, sát với thực tế của địa phương đã giúp Dương Thành vững tin hơn ở phía trước, đời sống của người dân càng no ấm và bền vững trên mảnh đất quê hương. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6%. Hiện nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia; trên 85% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền và ngày công lao động để cứng hóa hơn 600m đường trục xã, hơn 4km đường liên thôn, nội thôn và khoảng 300m kênh mương nội đồng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Tư cho biết thêm: Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để nông hộ sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.