Giải pháp nhằm giảm tải tại cây ATM dịp Tết

10:31, 01/02/2016

Những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng các dịch vụ tại cây ATM (máy rút tiền tự động) vào dịp giáp Tết tăng cao khoảng 2 lần so với ngày thường, khiến có thời điểm và có cây ATM bị rơi vào tình trạng quá tải, gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ. Vậy các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng này là gì?

Hiện, toàn tỉnh có 24 chi nhánh cấp 1 của tổ chức tín dụng với 112 điểm giao dịch. Việc kết nối liên thông ATM và mạng POS giữa các ngân hàng tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 177 cây ATM, 443 POS (tăng 40 cây ATM và 137 POS so với năm 2014) được kết nối liên thông với nhau, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên thì một trong các giải pháp hữu hiệu là khi thấy cây ATM mà mình định sử dụng có quá đông người đứng chờ thì người dùng thẻ nên di chuyển đến cây ATM gần nhất của bất cứ ngân hàng nào để rút tiền vì hiện nay, các ngân hàng trên địa bàn đều đã tham gia vào Banknetvn (Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam) và mức phí phải trả không đáng kể; trong trường hợp chưa thực sự cần thiết thì có thể tránh rút vào lúc cao điểm. Theo chỉ đạo của NHNN Chi nhánh tỉnh, trong những ngày giáp Tết, các ngân hàng trên địa bàn phải có trách nhiệm hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để khách hàng được rút tiền trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch; thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp… tránh tình trạng người dân tập trung quá đông tại các điểm máy ATM dẫn đến quá tải. Các ngân hàng đều phải tăng cường cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp Tết…

 

Ông Bùi Văn Khoa cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cửa hàng, siêu thị, nhà hàng đã lắp đặt máy POS (điểm chấp nhận thẻ). Do đó, thay vì việc rút tiền từ cây ATM để đi mua sắm, ăn uống thì người dân có thể dùng thẻ ATM để thanh toán mà không phải lo ngại bị mất hay nhầm lẫn. Thậm chí việc sử dụng thẻ trong thanh toán sẽ giúp người dùng cảm thấy yên tâm, an toàn hơn vì không phải mang tiền mặt theo người.

 

Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp (nhất là từ ngày 25 tháng Chạp trở đi), nhu cầu sử dụng các dịch vụ ATM của người dân tăng từ 2-2,5 lần so với những ngày thường. Do đó, ngoài việc tăng tần suất tiếp quỹ/ngày thì số tiền mỗi lần tiếp cũng được tăng đáng kể. Đơn cử như với Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên, bình thường, mỗi cây ATM được tiếp quỹ 2-3 lần/tuần và mỗi lần tiếp khoảng 1 tỷ đồng/cây, thì vào dịp Tết, mỗi cây tiếp 1 lần/ngày và số tiền tiếp là 2 tỷ đồng/cây. Thậm chí có cây, có ngày tiếp từ 2-3 lần.

 

Một trong số các ngân hàng có lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM nhiều nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên. Với hơn 100.000 khách hàng đang sử dụng thẻ ATM, trong đó có tới trên 70.000 thẻ là công nhân Công ty Samsung, do đó, vào những ngày Công ty vừa trả lương, số lượng người tập trung tại các cây ATM rất lớn, khiến tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, năm 2015, Vietcombank đã lắp đặt thêm 7 cây ATM và trong tháng 1-2016 tiếp tục đưa thêm 2 cây ATM tại khu vực Samsung đi vào hoạt động. Với số lượng cây ATM này, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng thẻ ATM của khách hàng hiện nay. Theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Thái Nguyên, với những doanh nghiệp nước ngoài có số lượng người lao động sử dụng thẻ ATM lớn của Vietcombank, do những ngày Tết phần đông công nhân vẫn đi làm và nhận lương, thưởng bình thường nên Chi nhánh đã làm việc với bộ phận nhân sự của họ để nắm bắt các thông tin liên quan, từ đó có kế hoạch tiếp quỹ cho các cây ATM, đảm bảo các máy hoạt động bình thường vào tất cả các giờ trong ngày.

 

Giải thích về nguyên nhân khiến nhu cầu sử dụng cây ATM dịp cuối năm tăng cao, đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết đó là do nhiều đơn vị trả cùng lúc 2 tháng lương, kèm theo đó là tiền thưởng và một số khoản chi khác. Ngay khi biết trong tài khoản có tiền, phần đông người dân đều có chung tâm lý muốn rút để phục vụ việc mua sắm tăng cao trong dịp Tết. Ngoài ra, còn có một lượng khách vãng lai không nhỏ đi làm ăn xa trở về cũng có nhu cầu rút tiền. Bởi thế, ngoài việc quan tâm tiếp quỹ tại cây ATM, các ngân hàng còn bố trí lực lượng và tiền mặt để phục vụ kịp thời cho nhu cầu của khách khi thực hiện giao dịch tại quầy.

 

Các ngân hàng cũng đã đưa ra một số khuyến cáo, do thời gian này khí hậu lạnh kèm theo mưa nhiều, khiến độ ẩm tăng cao, dễ dẫn đến hiện tượng kẹt tiền. Vì thế, khi xảy ra tình trạng này, người rút tiền cần thông tin ngay tới số điện thoại theo đường dây nóng của ngân hàng được niêm yết công khai tại cây ATM để được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, khi gặp một số sự cố khác như máy báo lỗi, hết tiền, bị kẹt thẻ, nuốt thẻ hoặc hỏng hóc…, khách hàng cũng nên báo lại với ngân hàng để được xử lý và giúp đỡ. Do số lượng các giao dịch trong những ngày giáp Tết tăng cao đột biến nên mặc dù các ngân hàng đều đã có rất nhiều biện pháp nhằm giảm tải nhưng nhiều khả năng hiện tượng quá tải vẫn sẽ xảy ra ở một số cây và trong một số thời điểm. Đây chỉ là hiện tượng tạm thời, do đó rất cần sự chia sẻ, hợp tác từ phía khách hàng.