Góp phần nâng cao giá trị trong chăn nuôi

15:03, 12/02/2016

Với mục tiêu tăng tỷ trọng ngành Nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2015, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Việt (T.P Sông Công) thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi bò cái sinh sản, giai đoạn 2015-2017. Với cơ chế hỗ trợ thiết thực, mô hình này đã nhận được sự quan tâm của nhiều hộ dân trên địa bàn và đã đạt được những kết quả bước đầu khá khả quan.

Ông Vũ Văn Tiến ở xóm Đình, xã Phượng Tiến cho biết: Sau khi được UBND xã tuyên truyền về mục đích, cơ chế hỗ trợ của huyện triển khai mô hình liên kết chăn nuôi bò sinh sản, tôi cùng với con rể đã đăng ký tham gia nhận nuôi 8 con cái nền lai Sind hậu bị. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chuồng trại, cỏ cho bò, tháng 7-2015, Công ty Cổ phần Nam Việt đã cấp bò cho hai gia đình nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, 4 con bò của chúng tôi đã có mang được 3-4 tháng. Chúng tôi đang chăm sóc đàn bò đúng theo quy trình kỹ thuật đã được tập huấn và hướng dẫn...

 

Hộ ông Vũ Văn Tiến là 1 trong số 13 hộ dân trên địa bàn xã Phượng Tiến và Linh Thông đã được Công ty Cổ phần Nam Việt cấp bò cái sinh sản nền lai Sind về nuôi. Đây là những hộ có đủ điều kiện về diện tích đất xây dựng chuồng trại, đất trồng cỏ và có lao động để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng bò đúng theo quy trình kỹ thuật cũng như đảm bảo công tác vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh. Ông Ma Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến cho biết: Ngay sau khi huyện có phương án và kế hoạch triển khai hỗ trợ phát triển mô hình liên kết chăn nuôi bò sinh sản, chúng tôi đã tuyên truyền đến toàn thể người dân trong xã các nội dung của phương án và kế hoạch; cử cán bộ phối hợp với đại diện Công ty Cổ phần Nam Việt, các phòng chuyên môn của huyện điều tra chọn hộ, thẩm định, nghiệm thu điều kiện hộ trước khi đầu tư; chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ dân chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò theo đúng cam kết.

 

Phương án hỗ trợ thực hiện phát triển mô hình liên kết chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2015-2017 dự kiến sẽ phối hợp với Công ty Nam Việt cấp 1.000 bò cái giống lai Sind hậu bị có độ tuổi từ 16 đến 18 tháng tuổi cho các hộ dân trong huyện có đủ điều kiện thực hiện. Trong đó, riêng năm 2015, UBND huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Việt cấp được 47 con bò cái nền LaiSind cho 13 hộ dân ở 2 xã: Phượng Tiến và Linh Thông. Tính đến thời điểm này, đã có 2 con chửa được 7 tháng (phối giống trước khi giao cho các hộ dân), 19 con đã chửa được 3-4 tháng. Năm 2016, huyện tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nam Việt cấp 600 con bò giống cho 100 hộ dân trong huyện. Đến năm 2017, sẽ cấp 350 con bò còn lại. Theo đó, Công ty Cổ phần Nam Việt có trách nhiệm cấp bò giống theo đúng tiêu chuẩn đã thỏa thuận, đồng thời hỗ trợ trồng cỏ cho các hộ tham gia nuôi bò với định mức 1 sào cỏ/1 con bò (tương đương 2,5 triệu đồng/sào), bố trí cán bộ phụ trách thú y, thụ tinh nhân tạo cho bò. UBND cũng hỗ trợ 60% lãi suất trong thời gian 2 năm thực hiện vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để xây dựng chuồng trại với định mức tối đa 30 triệu đồng/hộ (nuôi từ 3 đến 5 con bò), 40 triệu đồng/hộ (nuôi từ 6 con bò trở lên). Từ năm 2016, mức hỗ trợ sẽ nâng lên là 80% lãi suất ngân hàng trong thời gian 3 năm theo Nghị quyết số 14 ngày 24-12-2015 của HĐND huyện đề ra. Ngoài ra, UBND huyện còn hỗ trợ 50% thức ăn tinh bổ sung cho bò cái và bò con trong vòng 2 năm, mỗi năm hỗ trợ 6 tháng với định mức 45kg thức ăn tinh/con/tháng. Các hộ dân tham gia nuôi bò còn được tập huấn kỹ thuật xây dựng chuồng trại, trồng và chăm sóc, chế biến thức ăn, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho bò, được tham quan thực tế kinh nghiệm chăn nuôi bò... Công ty Cổ phần Nam Việt cam kết mua toàn bộ số bê con sinh ra, được nuôi đủ 7 tháng trở lên với mức 20 triệu đồng/con (số tiền này được chia cho hộ chăn nuôi 10 triệu đồng, Công ty Cổ phần Nam Việt 10 triệu đồng). Từ tháng tuổi thứ 8 trở đi, nếu hộ dân chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng thêm thì Công ty Cổ phần Nam Việt sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/con bê (có thể bằng thức ăn chăn nuôi hoặc tiền mặt).

 

Anh Nguyễn Văn Sỹ, ở xóm Phỉnh, xã Phượng Tiến cho biết: Vừa rồi, gia đình tôi cũng đã nhận 5 con bò về nuôi. Đến nay, bò vẫn khỏe mạnh bình thường. Sau khi tìm hiểu kỹ về các điều khoản thỏa thuận với Công ty Cổ phần Nam Việt, cũng như các cơ chế hỗ trợ của huyện, tôi nhận thấy mô hình liên kết trong chăn nuôi này sẽ đem lại cho nông dân nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân như: tạo việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập, giúp bà con có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, đặc biệt là người dân được tiếp cận những nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để phát triển chăn nuôi.

 

Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Tính đến thời điểm này, số lượng bò giống mà các hộ đăng ký nuôi trong năm 2016 đã lên tới 827 con. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã phối hợp với Công ty Cổ phần nam Việt tiến hành thẩm định điều kiện chăn nuôi tại các hộ dân. Dự kiến, đến tháng 2 hoặc tháng 3-2016, Công ty Cổ phần Nam Việt sẽ tiến hành cấp bò giống cho nông dân. Khi phương án này được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, nó sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; từng bước hình thành các gia trại, trang trại, tổ hợp tác chăn nuôi bò hiệu quả, từ đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tạo mối liên kết "4 nhà" bền chặt; giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi cũng như thu nhập cho người dân; nâng cao kỹ năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho các hộ dân.