Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

17:13, 25/02/2016

Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, công tác đào tạo nghề ở thị xã Phổ Yên luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và phát huy hiệu quả thiết thực.

Về xã Minh Đức những ngày này, được tận mắt chứng kiến các mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi lợn, gà theo quy mô lớn, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi về kinh tế của xã so với nhiều năm trước. Sự thay đổi này có đóng góp không nhỏ của công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tuyên (ở xóm Trầm 7A), từng là học viên của lớp “chăn nuôi và phòng bệnh cho gà” thuộc Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT của thị xã Phổ Yên, chia sẻ: “Trước đây, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nuôi gà nên gia đình chỉ nuôi nhiều nhất từ hai đến ba trăm con. Sau 3 tháng theo học lớp chăn nuôi và phòng bệnh cho gà, gia đình tôi đã nắm được quy trình tiêm vacxin phòng ngừa, nhận biết sớm các triệu chứng lâm sàng mỗi khi gà bị bệnh, chăn nuôi theo chế độ dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh chuồng trại đúng cách, giúp đàn gà khỏe mạnh, cho trứng đều và chất lượng cao”. Ông Tuyên cho biết thêm, những kiến thức và kỹ năng chăn nuôi được anh ứng dụng ngay tại chuồng trại của nhà. Và chưa đầy 2 năm, trang trại của gia đình anh đã có gần 1.000 con gà, cho thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.

 

Còn chị Nguyễn Kim Loan (ở xóm Hồ 1), sau khi theo học lớp “kỹ thuật trồng và chăm sóc chế biến sản phẩm chè”, cũng như nhiều học viên khác, chị đã dần loại bỏ những tập quán canh tác sản xuất chè cũ, thay thế giống chè trung du bằng giống chè cho năng suất cao, đầu tư thêm máy tôn inox, máy vò chè điện… để chế biến chè, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, chị Loan rất phấn khởi vì những năm qua năng suất chè của gia đình tăng lên từ 12 đến 15 tấn/ha, giá bán từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. 

 

Ông Nguyễn Đức Sử, Phó Chủ tịch xã Minh Đức cho biết: “Xã Minh Đức có gần 50% dân số trong độ tuổi lao động và hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong những năm qua, việc đào tạo nghề ở nông thôn luôn được gắn với nhu cầu thực tế của xã nên thu hút nhiều học viên. Nhờ đó người dân Minh Đức đã dần thay đổi được nhận thức trong sản xuất nông nghiệp, loại bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi… Sau mỗi khóa học, 60% học viên có khả năng ứng dụng kiến thức và tạo thu nhập tại chỗ từ 4-5 triệu đồng/tháng, cung ứng khoảng 40% nguồn lao động cho các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn xã…”.

 

Giống như xã Minh Đức, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở xã Nam Tiến cũng có vai trò hết sức quan trọng đối với LĐNT. Bởi lẽ, cùng với thực hiện giải phóng mặt bằng, thu hẹp đất nông nghiệp nhằm phát triển các cụm công nghiệp thì đào tạo và giải quyết việc theo hướng phi nông nghiệp là rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của xã đã làm tốt công tác điều tra, thống kê việc làm, xây dựng chương trình đào tạo nghề chuyển đổi phù hợp với bối cảnh địa phương, góp phần đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động.

 

Anh Nguyễn Văn Khôi, 35 tuổi (ở xóm Đồi) là một điển hình. Trước đây, từ nhỏ đến lớn anh và gia đình quanh năm “cày sâu cuốc bẫm”, vất vả “một nắng hai sương” mà thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Khi đất ruộng bị thu hẹp, tháng 3-2010, được biết đến Đề án Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT của thị xã Phổ Yên, anh Khôi chọn học nghề cơ khí. Giờ đây, anh đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất riêng, cho thu nhập gấp nhiều lần so với làm ruộng. Cũng như trường hợp của anh Khôi, sau khi theo học lớp nghề nấu ăn, chị Đỗ Thu Phượng (ở xóm Trường Thịnh) đã mở cửa hàng phục vụ ăn uống cho công nhân và tạo thêm việc làm cho hơn 10 lao động của xóm với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. 

 

Đánh giá về Đề án “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT của thị Xã Phổ Yên, đến năm 2020”, bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao Động - Thương Binh và Xã hội Thị xã Phổ Yên cho biết: “Trong ba năm qua, trung bình mỗi năm Thị xã tổ chức được gần 50 lớp học nghề cho hơn 1.000 LĐNT (đạt tỷ lệ 126%). Các ngành nghề đa dạng, cơ bản phù hợp với nhu cầu của người lao động, trong đó nhiều ngành giải quyết việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi lợn, gà, may, hàn… Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thị xã chiếm 72%, tỷ lệ sau đào tạo có việc làm đạt trên 90%, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…”. Bà Mỹ cũng cho biết thêm, để góp phần nâng cao hiệu quả của việc đào nghề ở nông thôn, thời gian tới, Thị xã Phổ Yên sẽ tập trung đào tạo nghề gắn với tạo việc làm bằng hình thức liên kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; phối hợp với ngành chức năng của Thị xã, các xã bị thu hồi đất xây dựng mô hình phát triển sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho người lao động…

 

Với cách làm hiệu quả và những giải pháp đó, Thị xã Phổ Yên sẽ hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nghề mỗi năm đạt 2.000 người, trong đó lao động qua đào tạo đạt 70%.