Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Nhiều khó khăn được tháo gỡ

09:16, 12/02/2016

Có lẽ chưa bao giờ, ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) lại trở nên gắn bó như hiện nay. Cũng dễ hiểu, bởi quá trình hoạt động giữa 2 bên ngày càng có sự ràng buộc, tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Và với xu thế hội nhập hiện nay thì mối quan hệ này lại càng trở nên quan trọng và cần thiết. Chương trình kết nối NH-DN được UBND tỉnh triển khai năm 2014 là một trong những minh chứng cho điều ấy.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng, thông qua Chương trình này, NH và DN có thêm cơ hội hiểu nhau hơn. Cụ thể, về phía NH sẽ biết được khách hàng của mình đang cần gì, dự định đầu tư ra sao, việc đầu tư có khả thi không…? Còn về phía DN, sẽ nắm rõ hơn các chính sách, dịch vụ hiện có của NH, cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn cho DN đến đâu. Khi 2 bên đã hiểu nhau thì NH sẽ mạnh dạn hơn trong việc “rót” vốn cho DN, thậm chí có thể đưa ra lời khuyên cho DN nên hay không nên đầu tư vào đâu, hoặc có thể làm cầu nối giữa các DN để qua đó tìm được liên kết, liên doanh, hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự “kết nối” này mà hàng trăm DN đã được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách mà phía NH đưa ra.

 

Tính đến cuối năm 2015, nghĩa là sau 16 tháng triển khai Chương trình Kết nối NH-DN, đã có 29 hội nghị đối thoại với DN được các NH tổ chức. Qua đó, đã có 25,7 nghìn tỷ đồng được cho vay. Trong số này, có hơn 7,5 nghìn tỷ đồng cho vay mới; gần 200 tỷ đồng gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ; gần 7,7 nghìn tỷ đồng được giảm lãi suất cho vay và trên 10 nghìn tỷ đồng nâng hạn mức tín dụng. Hiện, số dư nợ của Chương trình là hơn 9,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó, đã có 721 khách hàng được hưởng lợi từ Chương trình, trong đó có 672 khách hàng DN, 49 khách hàng cá nhân, hợp tác xã…

 

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều DN, Chương trình kết nối NH-DN đã và đang tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Thông qua Chương trình, nhiều DN được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý để phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó có điều kiện giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao năng lực tài chính cho DN.

 

Ông Lê Văn Ký, Giám đốc Công ty Xi măng Quang Sơn (Đồng Hỷ) đánh giá cao những hiệu quả mà Chương trình kết nối NH-DN mang lại. Thông qua Chương trình, từ tháng 7-2015, Công ty đã được Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Thái Nguyên nâng hạn mức tín dụng từ 170 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Với hạn mức mới này, Công ty có điều kiện tốt hơn để tăng sản lượng bán hàng. Thu nhập của cán bộ, người lao động nhờ đó cũng được nâng lên. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Ký, mặc dù so với trước đây, mức lãi suất 9% hiện nay (kỳ ngắn hạn) đã thấp hơn đáng kể so với thời gian trước nhưng với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN thì đây vẫn được cho là khá cao. Ngoài ra, ông Ký cũng cho rằng, để tạo điều kiện hơn cho DN, các NH nên thiết lập mối liên kết giữa NH cho vay đầu tư, NH cho vay thương mại với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật liệu, trong đó NH đóng vai trò bảo lãnh thanh toán cho nhà thầu thi công, nhà cung cấp vật liệu để tạo lòng tin đối với các đối tượng này. Khi đó, tiến độ thực hiện dự án sẽ nhanh hơn và mang lại quyền lợi nhiều hơn cho các bên. Trong trường hợp này, NH không nên tính phí bảo lãnh hoặc đưa ra một mức phí bảo lãnh ưu tiên để hỗ trợ DN, nhất là khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

 

Cũng được hưởng lợi từ Chương trình kết nối NH-DN, từ tháng 10-2015, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ, tổ 24, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên nâng hạn mức tín dụng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, tất cả các chính sách ưu đãi về lãi suất mà NH dành cho khách hàng là DN, Công ty đều được hưởng lợi. Ông Đào Hữu Huệ, Giám đốc Công ty cho biết: Với việc được nâng hạn mức, DN đã chủ động hơn trong sản xuất - kinh doanh. Mặc dù Công ty chưa từng sử dụng hết hạn mức, nhưng trong hợp tác làm ăn với đối tác, DN cảm thấy tự tin hơn với hạn mức này và thấy yên tâm vì luôn có sự đồng hành của NH. Ngoài ra, khi tham gia làm các công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Công ty có điều kiện cho nợ lâu hơn, điều này đồng nghĩa với việc giảm đi một phần áp lực trả nợ của ngân sách Nhà nước trong xây dựng cơ bản.

 

Đồng chí Bùi Văn Khoa cũng cho rằng, trên thực tế, cho dù Chương trình kết nối NH-DN không được tổ chức thì từng NH theo khả năng, điều kiện của mình cũng sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN, bởi đó cũng chính là yêu cầu cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho chính mình trong quá trình hoạt động, nhằm tạo sự phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ sẽ khó có sự thống nhất và tạo được sức lan tỏa. Còn khi được tổ chức thành chương trình, có sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương thì nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến việc đầu tư, sản xuất của DN cũng sẽ được tháo gỡ và định kỳ 6 tháng, 1 năm đều có sơ, tổng kết để đánh giá hiệu quả, đồng thời đưa ra những bất cập, hạn chế cần phải khắc phục để sự kết nối giữa NH-DN đạt được hiệu quả cao hơn.

 

Không chỉ mang lại lợi ích đối với DN, Chương trình kết nối NH-DN còn có tác động tích cực không nhỏ đối với các NH, bởi qua đó giúp các NH tăng trưởng chỉ tiêu dư nợ tốt hơn. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc BIDV Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng: Mặc dù bức tranh kinh tế trong nước năm 2015 đã có những khởi sắc nhưng với phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh thì đây vẫn là năm gặp nhiều khó khăn. Do đó, NH cần thiết phải có trách nhiệm chia sẻ lợi ích với DN. Chúng tôi hiểu rằng, "sức khỏe" của NH phụ thuộc chủ yếu vào DN. Do đó, trong năm, BIDV đã đưa ra rất nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng DN khác nhau, trong đó có gói lãi suất chỉ từ 6-6,5%/năm (kỳ ngắn hạn), 9-10%/năm (kỳ trung, dài hạn). Với lãi suất này, BIDV được xếp vào tốp các NH cho vay với mức thấp. Cũng bởi thế mặc dù quy mô tăng trưởng tín dụng cao nhưng thu nhập từ hoạt động tín dụng của đơn vị thì lại không tương xứng.

 

Cũng chung quan điểm với lãnh đạo BIDV, ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Để DN hiểu hơn về hoạt động của đơn vị cũng như các chính sách mà Agribank đưa ra, trong năm, chúng tôi đã tổ chức Hội nghị đối thoại với DN. Qua Hội nghị, nhiều ý kiến góp ý của DN đã được chúng tôi tiếp thu, điều chỉnh, mà một trong số đó là giảm lãi suất cho vay đối với DN ở kỳ ngắn hạn về mức 5,5%/năm. Các giải pháp này đã góp phần quan trọng giúp Agribank Thái Nguyên tăng đáng kể nguồn vốn cho vay, đồng thời cũng mang đến cho Chi nhánh thêm nhiều khách hàng DN mới, từ đó có điều kiện phát triển tốt hơn những dịch vụ hiện có.

 

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, tính đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 32,2 nghìn tỷ đồng (không tính Ngân hàng phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên), tăng 29% về nguồn vốn; dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 33,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cuối năm 2014. Với kết quả này, cùng với ngân hàng cả nước, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cả năm ở mức thấp 1-2%; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% (mức cao nhất trong 5 năm gần đây)…

 

Có thể nói, Chương trình kết nối NH-DN đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cả NH và DN. Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, để Chương trình mang lại hiệu quả hơn nữa, NHNN với vai trò đầu mối cần làm tốt hơn công tác tham mưu cho UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc có liên quan trong quá trình hoạt động của cả NH và DN; đồng thời chỉ đạo tốt hơn việc liên kết giữa các tổ chức tín dụng; tiếp thu, giải quyết những yêu cầu chính đáng mà cộng đồng DN đưa ra, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…