Không để vướng mắc nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ

10:34, 25/02/2016

Theo kế hoạch thì việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) - Dự án năng lượng nông thôn II (REII) trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành trong năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn nhiều xã chưa thể bàn giao. Nguyên do được xác định là tại bên giao và bên nhận chưa thống nhất được thời gian trích khấu hao tài sản.

Mới đây, khi chia sẻ với báo chí về Dự án REII, ông Lê Văn Chuyển, Phó Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định: Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý là đúng đắn, giúp người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian.

 

Thực tế thì lưới điện HANT của tỉnh ta rất kém do phần lớn được các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện và nhân dân tự đầu tư xây dựng. Vì đầu tư tự phát, không có thiết kế, chủ yếu dùng cột bê tông tự đúc, cột tre, móng đất, dây trần cũ nát, nhiều mối nối nên từ lâu đã không đảm bảo an toàn trong vận hành. Mặt khác, bán kính cấp điện lớn nên chất lượng điện năng rất kém nhất là vào giờ cao điểm. Hơn nữa, chủ yếu dây dẫn là dây trần, nhiều mối nối nên tổn thất điện năng cao, nguy hiểm trong mùa mưa bão. Mặc dù được xây dựng từ rất lâu nhưng lại ít đầu tư sửa chữa nên lưới điện tại các địa phương trong tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đáng kể như ở các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương...

 

Thời gian qua phải ghi nhận sự vào cuộc cải tạo lưới điện nông thôn của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, trong đó có ngành Điện. Theo ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, ngay sau khi tiếp nhận lưới điện HANT theo kế hoạch, Công ty đã lập phương án sửa chữa, cải tạo tối thiểu lưới điện, ưu tiên hàng đầu cho công tác bảo đảm an toàn khi bán điện. Công ty đã rà soát kiểm tra lưới điện, lập phương án thay ngay dây dẫn tại các nhánh dây xung yếu, thay cột tre, cột gỗ, thay các công tơ cũ... Hàng năm, căn cứ vào nguồn vốn bố trí được, Công ty đã lựa chọn đầu tư, cải tạo, nâng cấp dần lưới điện bảo đảm an toàn khi vận hành và chất lượng điện năng cho các hộ sử dụng.

 

Tuy vậy, theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì tính đến hết năm 2015, mặc dù chỉ đạo của Chính phủ là phải kết thúc việc tiếp nhận lưới điện HANT trên toàn quốc nhưng Thái Nguyên vẫn nằm trong danh sách các địa phương chưa hoàn thành dứt điểm.

 

Qua khảo sát của thực tế, hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, trong đó đáng chú ý là việc một số tổ chức quản lý điện nông thôn ở các địa phương chưa muốn bàn giao, hoặc giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn còn nhiều bất cập. Theo chỉ đạo của Chính phủ thì cơ cấu giá mua và bán điện của các tổ chức điện nông thôn vẫn tăng ổn định khoảng 5%, nhưng nếu xét về giá trị tuyệt đối thì mức chênh lệch này ngày càng lớn, dẫn đến lợi nhuận của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn ngày càng tăng. Vì vậy, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn không muốn bàn giao cho ngành Điện. Đây là những nguyên nhân không dễ tháo gỡ mà nhiều địa phương đang phải đau đầu tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta lại không chịu tác động từ những nguyên nhân này. Nguyên nhân mà chúng ta gặp phải chỉ là vấn đề chưa thống nhất được thời gian trích khấu hao tài sản giữa các xã với Công ty Điện lực mà thôi.

 

Báo cáo mới nhất của Ban quản lý Dự án REII thì toàn tỉnh có 53 xã phải bàn giao lưới điện HANT cho Công ty Điện lực và HTX điện năng tiếp nhận, quản lý (trong đó 13 xã bàn giao cho các HTX, 17 xã bàn giao cho Công ty Điện lực). Đến thời điểm này đã bàn giao được 21 xã cho các HTX và 17 xã cho ngành Điện quản lý với tổng giá trị bàn giao tương ứng là trên 230 tỷ đồng. Như vậy vẫn còn 15 xã với giá trị tương ứng trên 53 tỷ đồng chưa thể bàn giao cho Công ty Điện lực Thái Nguyên quản lý.

 

Trong cuộc họp của Hội đồng định giá tài sản lưới điện HANT tỉnh sáng 24-2-2106, ông Phan Bội Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài chính chỉ ra rằng: Trong khi liên bộ Tài chính và Công Thương có Thông tư số 32/2013/TTLT-BTC-BCT xác định thời gian trích khấu hao và hoàn trả vốn là 15 năm (do được ân hạn 5 năm), thì Bộ Tài chính lại có Thông tư số 45/2013/TT-BTC xác định thời gian trích khấu hao của đường dây tải điện chỉ 10 năm. Việc các thông tư hướng dân chưa thống nhất đã khiến nhiều xã trên địa bàn tỉnh chưa thể bàn giao lưới điện HANT.

 

Về vấn đề này, đại diện một số cơ quan, đơn vị "trong cuộc" như Sở Tài chính, Sở Công Thương, Công ty Điện lực Thái Nguyên cho rằng, cần phải thống nhất thời gian trích khấu hao tài sản càng sớm càng tốt. Nếu kéo dài, ngoài việc người dân trực tiếp dùng điện chịu thiệt thòi sẽ gây ảnh hưởng đến ngân sách của tỉnh do phải trả lãi ngân hàng vì đã tạm ứng tiền giải ngân các gói thầu tiếp nhận lưới điện HANT. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị: Chúng ta có thể linh hoạt xác định một mốc thời gian nhất định để tạm tính nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao và tránh thâm hụt ngân sách.

 

Chính thức có ý kiến giải quyết vấn đề này, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản lưới điện HANT tỉnh khẳng định: Không để những vướng mắc nhỏ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án. UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo tạm thời tính thời hạn trích khấu hao tài sản là 10 năm. Đây là giải pháp tình thế, nếu khi nào có văn bản hướng dân mới sẽ thay đổi theo để tránh phát sinh trả lãi ngân hàng hàng tháng. Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ tiếp nhận lưới điện HANT nhưng xã còn lại trên cơ sở đầu tư cải tạo, sửa chữa và hoàn vốn đúng quy định. Sở Công Thương phối hợp với Liên minh HTX tỉnh rà soát lại các HTX kinh doanh điện trên địa bàn, nếu không có khả năng quản lý thì đề xuất phương án thu hồi, bàn giao cho ngành Điện. Tất cả phải được giải quyết dứt điểm, xong trước thời điểm diễn ra kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 16 vào cuối tháng 3 tới.