Năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện

09:24, 08/02/2016

Năm 2015 đánh dấu những mốc quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam với những thành tựu mang tính toàn diện trên cả 3 mục tiêu là phát triển, an ninh và vị thế.  Hoạt động ngoại giao không chỉ góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển đất nước, mà còn hỗ trợ hiệu quả bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Năm 2015, ngoại giao kinh tế đã đánh dấu một bước tiến lớn trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Năm 2015 là năm tiến trình đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam có bước tiến quan trọng. Không chỉ ký kết được FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu và Hàn Quốc, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và đặc biệt là hoàn thành một FTA có tầm cao hơn, mang tính khu vực rộng hơn được mong đợi, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

 

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam là một trong số các nước ASEAN đã thực hiện những cam kết hình thành Cộng đồng ở mức cao nhất, góp một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 1/1/2016 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Malaysia hồi tháng 11. Trở thành một bộ phận không thể thiếu của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng đã thể hiện tinh thần của một quốc gia thành viên có trách nhiệm trong suốt quá trình phát triển của ASEAN.

 

Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của liên kết kinh tế khu vực với mạng lưới Hiệp định Thương mại tự do gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, 15 thành viên nhóm G20. Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã vận động thành công thêm 3 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường, nâng tổng số đối tác công nhận Việt Nam hiện nay lên con số 59. Quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chịu nhiều tác động của khủng hoảng, thu thút đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 vẫn đạt con số ấn tượng, gần 23 tỷ đôla, tăng 12,5% so với năm 2014.

 

Về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, năm 2015, ngoại giao Việt Nam đã xử lý khéo léo các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông cũng như các vấn đề trên đất liền đối với các quốc gia láng giềng. Trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển, Việt Nam luôn chủ động kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên các diễn đàn song phương và đa phương với Trung Quốc, đề cao lợi ích của đất nước phù hợp với các quan tâm chung của khu vực và quốc tế. Trong quan hệ với Trung Quốc, hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế tiếp xúc trên cơ sở xu thế phát triển tích cực. Hàng loạt các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước cũng như các bộ ngành, địa phương vẫn được hai nước duy trì và coi đó như một kênh hợp tác hiệu quả, trong đó phải kể tới chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc tháng 4/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Trung Quốc tháng 12/2015, cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít….Việt Nam cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm tiến tới ký Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC...

 

Ngày 26/12/2015 vừa qua, Việt Nam và Campuchia đã khánh thành cột mốc số 30, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước, giúp tăng cường công tác quản lý biên giới. Đến nay, Việt Nam và Campuchia cũng đã hoàn thành gần 90% công tác phân giới cắm mốc. Đây là một nỗ lực rất lớn của hai nước góp phần giữ vững an ninh, trật tự biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. 

 

Cũng trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục tận dụng hiệu quả diễn đàn đa phương như ASEAN, ASEM, APEC… để thúc đẩy, bảo vệ lợi ích chiến lược về an ninh và phát triển đất nước. Lần đầu tiên, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh hàng hải và hàng không, tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trong Tuyên bố Hội nghị Ngoại trưởng ASEM tại Luxembourg tháng 11 vừa qua. Không chỉ làm nổi bật các mối quan hệ song phương, trên bình diện quốc tế, năm 2015 cũng đánh dấu những kết quả đáng ghi nhận của ngoại giao Việt Nam. Những chuyến ngoại giao cấp cao giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Liên bang Nga, Việt Nam – Liên minh châu Âu… không chỉ làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, mà còn là con đường đối thoại quan trọng để tăng cường sự hiểu biết, giải quyết bất đồng và cùng hướng đến những nền tảng hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới. Năm 2015, đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, lần đầu tiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và có cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm này mở ra những cơ hội hợp tác thực chất hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực.

 

Bên cạnh góp phần thúc đẩy các lợi ích về phát triển của đất nước, Việt Nam còn thể hiện đóng góp đối với các quan tâm chung của quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới IPU  được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tiếp tục được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Kinh tế xã hội của Liên hợp quốc với số phiếu cao. Điều này thể hiện vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được củng cố trên trường quốc tế. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: Có thể nói vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực được đánh giá là cao nhất từ trước tới nay. Đó là những thành tựu của chúng ta trong việc xây dựng và phát triển đất nước với những cam kết quốc tế như là thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Vị thế cũng được nâng cao thông qua việc chúng ta có những đóng góp chung vào công việc của thế giới, từ lúc tham gia đến khi chủ động hội nhập và có những đóng góp cụ thể. Qua sự tham gia của chúng ta vào các tổ chức quốc tế cũng như ở khu vực, chúng ta đã tạo ra được một vị thế đáng kể trên trường quốc tế.

 

Cũng theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2016 được dự đoán là một năm có những diễn biến quốc tế khó lường. Những vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông vẫn được đánh giá là đầy thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách ngoại giao khéo léo nhưng kiên quyết hơn nữa. Thêm vào đó, trước những nguy cơ khủng bố, xung đột có nguy cơ lan rộng ở nhiều khu vực ảnh hưởng đến  nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ phải có những quyết sách thích hợp để đối phó. Năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện. Không chỉ mở rộng quan hệ với tất cả các nước, Việt Nam còn là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không chỉ tham gia công việc liên quan đến lợi ích của riêng mình mà còn tham gia vào cả những vấn đề khác của thế giới./.