Ngày mới ở Phú Lợi

09:26, 23/02/2016

Những ngày đầu năm mới về xóm Phú Lợi, xã Bàn Đạt (Phú Bình), cho xe chạy bon bon trên con đường được đổ bê tông phẳng lỳ, hai bên là những vạt chè, đồi keo xanh biếc, có thể thấy, Phú Lợi như đang khoác trên mình chiếc áo mới, thay da đổi thịt từng ngày.

Theo ông Trần Văn Lập, Trưởng xóm Phú Lợi, cách đây khoảng 5 năm, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 50%. Bởi lẽ, đất đai ở đây cằn cỗi, lại không có hồ đập nên sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn. Quanh năm, bà con chỉ biết trồng sắn, trồng lạc và chặt cây làm chổi bán kiếm thêm tiền đong gạo. Ở xóm, hầu hết thanh niên trai tráng đến tuổi trưởng thành lại ly hương đi khắp nơi để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sự hạn chế trong nhận thức, khó khăn về giao thông... cũng là những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và lạc hậu. Trước những khó khăn đó, năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai Dự án trồng chè cành tại xóm. Cũng từ đây, suy nghĩ của người dân dần dần thay đổi, quyết tâm vươn lên để thoát nghèo. Do đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay tiền ngân hàng để cải tạo diện tích vườn đồi, đưa các giống chè như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... vào trồng. Hiện, toàn xóm có 63 hộ dân thì 100% số hộ đều trồng và sản xuất chế biến chè, với diện tích 15ha. Nghề trồng, chế biến chè đã, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động trong xóm, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, có điều kiện mua sắm nông cụ sản xuất và các tiện nghi sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống.

 

Trong những hộ dân ở xóm thì gia đình anh Trần Văn Hùng là một trong những điển hình về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cùng chúng tôi đi thăm những diện tích chè đang cho thu hoạch, anh Hùng nhớ lại: Toàn bộ diện tích trồng chè này, trước đây, gia đình tôi cấy lúa nhưng vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên năng suất chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào, thậm chí có vụ chỉ đạt 50kg-70kg/sào. Bởi vậy, đói nghèo cứ quanh quẩn mãi không thôi. Năm 2006, tôi đã mạnh dạn vay hơn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để san gạt mặt bằng và chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè. Hiện nay, với 1,3 mẫu chè, trung bình, một năm gia đình thu hoạch 7-8 lứa, mỗi lứa đạt 1,2-1,5 tạ chè búp khô, với giá bán dao động từ 150-170 nghìn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí cho thu lãi trên 10 triệu đồng/lứa. Nhờ vậy, gia đình tôi không những thoát nghèo mà còn có tiền tu sửa ngôi nhà thêm khang trang, đầu tư mua thiết bị sao, sấy chè.

 

Không chỉ tích cực mở rộng diện tích chè, người dân xóm Phú Lợi còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn vật nuôi luôn duy trì ổn định ở mức 5 nghìn con/năm. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, bà con đã chủ động đưa giống lợn nái lai 3 máu vào chăn nuôi, cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm từ việc bán con giống. Nhờ được tiếp cận với những khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nên người dân cũng từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn với 1 trang trại và 5 gia trại tổng hợp. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một gia trại chia sẻ: Với diện tích vườn đồi hơn 2.000m2, không chỉ trồng chè, gia đình tôi còn nuôi khoảng 1.000 con gà/lứa và 3-5 con lợn nái. Ngoài việc thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, gia đình tôi đã tận dụng nguồn phân chuồng để chăm bón cho cây chè nên tiết kiệm được một phần chi phí đầu tư.

 

Kinh tế phát triển ổn định, các hộ dân trong xóm bảo nhau thi đua xây dựng nông thôn mới, góp công, góp cửa xây dựng cơ sở hạ tầng thêm khang trang. Năm 2015, với sự hỗ trợ từ UBND xã Bàn Đạt, người dân Phú Lợi đã tích cực đóng góp tiền (400 nghìn đồng/hộ), tham gia hàng trăm ngày công lao động để giải phóng mặt bằng và hoàn thành tuyến đường liên thôn với chiều dài 1,8km. Từ đây, việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con thuận lợi, nông sản làm ra không bị các thương lái ép giá như trước. Một điều đáng mừng nữa là những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xóm đã giảm đáng kể, không còn trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 12%;  thu nhập bình quân đạt 17 triệu đồng/ người/năm; 100% các hộ dân đã được sử dụng điện lưới Quốc gia và có phương tiện đi lại, nghe nhìn, thông tin liên lạc...