Người cán bộ luôn vì dân

09:17, 24/02/2016

Đó là cảm nhận của tôi về anh Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Hôm đầu tiên gặp, anh đang cùng nông dân xuống đồng cấy giống lúa lai trên cánh đồng một giống tại xóm Cầu Đá, quả thật, tôi không nhận ra đâu là cán bộ xã, đâu là nông dân, bởi anh còn hăng hái hơn cả nông dân, vừa đắp ruộng, be bờ, rồi quay ra lấy mạ.

Sinh năm 1974, trưởng thành từ phong trào Đoàn, tháng 12-2015 anh Long được bầu làm Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức. Anh Long chia sẻ : “Do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, khi vào làm cán bộ xã tôi mới học Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, hệ tại chức, Khoa Trồng trọt. Người ta thường nói, học tại chức là “học chơi, bằng thật” nhưng đối với tôi lại suy nghĩ khác, mất thời gian đi học thì phải đem được kiến thức về. Bởi vậy, ngoài việc học lý thuyết chăm chỉ ở trên lớp, học đến đâu tôi thường vận dụng kiến thức ngay vào việc gieo trồng  tại địa phương”.

 

Còn đối với người dân Thịnh Đức luôn coi anh là kỹ sư của họ. Anh Long truyền thụ kiến thức nông nghiệp cho nông dân ở mọi lúc, mọi nơi. Anh là người góp phần làm thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp của nông dân xã Thịnh Đức. Bởi nhiều năm về trước, nông dân trong xã thường cấy mỗi thửa ruộng một giống lúa khác nhau, nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn dẫn đến năng suất thấp, năm 2013 anh Long đã vận động nông dân tham gia cánh đồng một giống (cấy 1 giống lúa cùng một ngày và chăm sóc, thu hoạch cùng một thời điểm). Anh Long nhớ lại, năm đầu tiên tôi vận động bà con cấy thử nghiệm giống lúa ĐS1 tại xóm Cầu Đá, với diện tích 2 ha, nhưng lại gặp bão vào thời điểm lúa làm đòng, gần như toàn bộ diện tích trên bị mất trắng. Lúc đó nhiều người dân nghi ngờ về kiến thức của tôi. Không nản lòng, năm sau anh Long tiếp tục vận động bà con thực hiện cánh đồng một giống bằng giống lúa B-TE1. Đây là giống lúa lai, chịu sâu bệnh tốt và chất lượng gạo ngon. May mắn năm đó mô hình đã thành công, với năng suất lúa đạt 2,5 tạ đến 2,8 tạ/sào, diện tích cấy là 8 ha (trong đó xóm Đức Cường 3 ha, Cầu Đá 5 ha). Giờ thì diện tích trồng theo cách đồng 1 giống đã đạt trên 10 ha và bà con chuyển cấy giống lúa Hương Thơm Kinh Bắc, vì gạo có giá bán cao hơn giống lúa B-TE1.

 

Để bà con 2 xóm trên có thói quen canh tác cánh đồng một giống như bây giờ, ban đầu anh Long cũng khá vất vả. Đến từng thời điểm gieo trồng, anh Long phải đến từng hộ gia đình vận động, thậm chí còn hứa với bà con bỏ tiền ra mua giống, phân bón trước rồi sau này xin đề xuất với Thành phố hỗ trợ sau. Anh bảo, mình làm liều vậy thôi, hứa với dân nhưng trong thâm tâm không dám chắc các ngành chức năng Thành phố sẽ tạo điều kiện. Không ngờ sau này Thành phố lại tạo điều kiện hết mức, lúc đầu xin hỗ trợ 90.000 đồng/ kg giống, nhưng sau đó đã hỗ trợ với mức cao hơn nên bà con rất phấn khởi. Với mong ước tạo dựng vùng chuyên canh rau an toàn tại xã, mới đây anh đã “cắm” sổ đỏ của gia đình để ngân hàng giúp một số hộ dân đầu tư làm nhà lưới trồng rau an toàn và hiện công trình đang được xây dựng.

 

Cả giờ ngồi nói chuyện cùng anh Long, tôi thấy anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để giúp nông dân. Anh bảo, giờ tôi ở vị trí mới, công việc cũng bận bịu hơn, nhưng vẫn bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý xuống cơ sở thường xuyên. Sau khi làm việc với anh Long tại trụ sở UBND xã, tôi cùng anh xuống xóm Cầu Đá thăm cánh đồng một giống bà con vừa cấy. Vừa tới nơi, anh đã xắn quần lội xuống ruộng kiểm tra xem lúa đã bén rễ hay chưa, rồi vào nhà dân thăm vườn cây ăn quả. Người dân thấy anh ai cũng coi anh như người thân trong nhà. Chị Nguyễn Thị Lan, Bí thư Chi bộ xóm Cầu Đá cho biết: Đồng chí Long là cán bộ thường xuyên lăn lộn với cơ sở và luôn lắng nghe cơ sở cần gì để kịp thời giúp đỡ. Còn Cụ Nguyễn Quang Tuân, Đảng viên cao tuổi của xóm nói: Bằng này tuổi đầu, tôi hiếm thấy có cán bộ nào lại tận tâm, tận lực với nông dân như vậy, những năm qua, mô hình sản xuất do đồng chí Long trực tiếp triển khai tôi đều vận động con cháu làm theo, bởi vậy kinh tế con cháu tôi đều khấm khá.

 

Trên đường trở về, anh Long vẫn chỉ tiếp chuyện tôi xoay quanh việc làm ăn của nông dân. Anh nói, thời buổi này nông dân rất có điều kiện, vì khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, giao thương thuận lợi, nhưng người nông dân vẫn chưa thể giàu được. Theo anh, nông dân trong xã vẫn làm nông nghiệp thủ công, manh mún, chưa có sự gắn kết với nhau để làm ăn lớn, hay chưa biết gắn kết chặt chẽ để cùng liên hệ với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm... Bởi thế, anh đang nỗ lực hiện thực hóa Đề án quy hoạch vùng trồng rau rộng gần 10 ha và vùng trồng cây ăn quả rộng 30 ha tại xã Thịnh Đức. Anh cũng có ý tưởng lập Website để quảng bá sán phẩm nông sản riêng cho xã mình. Hy vọng với tâm huyết của mình anh Long sẽ cùng tập thể  Ban lãnh đạo xã Thịch Đức từng bước tháo gỡ khó khăn, cùng nhân dân trong xã phát triển kinh tế ngày càng thịnh vượng.