Những người đón Tết ở rừng

08:26, 02/02/2016

Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, trong khi người dân khắp nơi bận rộn mua sắm, chuẩn bị đón Tết thì những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên ở Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Sở Nông nghiệp và PTNT) vẫn miệt mài làm nhiệm vụ của mình. Họ luôn sẵn sàng đón Tết ở rừng, gắn bó cùng nhân dân địa phương trong những ngày đầu xuân năm mới.

Anh Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho hay: Thời điểm này, chúng tôi vẫn phải duy trì 100% quân số. Chỉ khi đến ngày nghĩ lễ theo quy định của Nhà nước, mọi người mới được luân phiên về quê ăn Tết với gia đình nhưng vẫn phải duy trì 50% quân số.

 

Dường như đã rất quen với việc đón giao thừa xa nhà nên những người làm công tác giữ rừng ở đây không ai cảm thấy buồn. Khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đến, họ ngồi bên nhau, họ cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và không quên động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh Thụ cho biết thêm: Cán  bộ của Ban hầu hết đều là người trong tỉnh. Tuy nhiên, trụ sở của Ban ở tận Cúc Đường (Võ Nhai), 6 trạm trực thuộc thì nằm tại các xã vùng sâu, vùng xa hơn như Nghinh Tường, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Thần Sa nên có những cán bộ, gia đình ở Đại Từ, T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên… khoảng cách đi lại từ nhà đến nơi làm việc của anh em khá xa, lên tới hàng trăm km. Sống cảnh xa gia đình nên họ càng thương yêu, đùm bọc nhau nhiều hơn. Nhất là khi Tết đến, Xuân về, những người được về quê đón Tết cùng gia đình khi trở lại đơn vị không quên mang theo những món đặc sản của quê hương mình cho bạn bè cùng thưởng thức.

 

Chia sẻ với chúng tôi về những ngày đón Tết ở đơn vị, anh Thụ vui lắm! Với anh, những ngày này thật có ý nghĩa vì anh sẽ được gần gũi với cán bộ của mình nhiều hơn, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng người để qua đó động viên, khích lệ họ làm tốt phần việc được giao.

 

Tính đến nay, anh Thụ đã có 8 năm được ăn Tết cùng anh em ở Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Trước khi được luân chuyển về đây, anh thuộc quân số của Hạt Kiểm lâm Phổ Yên. Do tính chất công việc khác nhau nên lúc mới nhận nhiệm vụ mới ở Ban Quản lý, anh Thụ bỡ ngỡ lắm. Ở Hạt Kiểm lâm Phổ Yên, nhiệm vụ của người cán bộ kiểm lâm chủ yếu quản lý khâu lưu thông, còn ở đây lại làm công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc và công tác vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển rừng là rất quan trọng. Trong khi đó, sinh sống ở vùng rừng núi nơi rẻo cao này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao…, nhiều hộ dân còn sống ngay trong rừng. Làm thế nào để tiếp cận được với người dân, tuyên truyền để họ nghe và làm theo cán bộ kiểm lâm là việc không hề dễ. Gần gũi cơ sở, thân thiết với người dân, tạo mối quan hệ thân tình với những người có uy tín của các bản, làng, vận động họ và bà con dân bản không chặt phá rừng, săn bắt muông thú… là cách mà anh Thụ và các bạn đồng nghiệp lựa chọn. Đặc biệt, những ngày ở lại đơn vị ăn Tết cũng là dịp để anh và đồng đội đến chúc Tết đồng bào, tạo mối quan hệ mật thiệt với nhân dân, từ đó xây dựng được “cơ sở’ vững chắc trong bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

 

Tiếp lời anh Thụ, người con của quê hương Đại Từ - Hứa Văn Tiến, 34 tuổi, cũng là Phó Giám đốc Ban quản lý (vị lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Ban) nói: Coi đồng bào như người thân của mình thì công tác vận động, tuyên truyền sẽ đạt kết quả cao. Minh chứng cho lời nói của mình, anh Tiến kể về những lần anh cùng đồng đội xuyên núi, vượt qua những “con” dốc dựng đứng để tìm về bản người Mông ở Lũng Luông, Lùng Hoài, Lũng Cà tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác bảo vệ rừng tận gốc, nhất là vào các dịp giáp Tết Nguyên đán. Ăn cùng dân, ngủ cùng dân, vui Tết cùng dân đã giúp các anh hiểu hơn về phong tục, tập quán của bà con và có cách tuyên truyền, vận động phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

 

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, từng luân chuyển qua một số vị trí công tác (anh Tiến được luân chuyển từ Ban quản lý rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc về đây công tác từ năm 2010), cộng với tình yêu nghề đã cho vị Phó Giám đốc trẻ tuổi này những trải nghiệm quý báu. Đó chính là lý do để anh luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao, luôn vững niềm tin với nghề nghiệp đã trọn dù anh thường xuyên phải sống xa nhà và đón Tết xa nhà.Vậy là một năm mới lại đến. Niềm vui lớn nhất của hơn 60 con người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên ở đây là năm qua, họ đã hoàn thành tốt phần việc của mình khi sau 32 buổi tuyên truyền, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên của toàn xã hội và cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh vùng đệm khu bảo tồn được nâng cao; vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên của các ngành, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội ngày càng được làm rõ; tình trạng xâm hại tài nguyên rừng giảm rõ rệt; các mô hình, dự án đầu tư vào các khu bảo tồn bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng… Tạm biệt bằng những cái bắt tay nắm chặt, chúng tôi chúc cho các anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm Bính Thân 2016 để gần 20 nghìn ha rừng của tỉnh với những loại gỗ và động vật quý hiếm như nghiến, lát, lim và cầy hương, dúi, khỉ… sẽ được bảo tồn và ngày càng phát triển, sinh sôi.