Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

09:48, 20/02/2016

Hiện nay, Hội Cựu TNXP của tỉnh có gần 4.000 hội viên, sinh hoạt tại 165 tổ chức cơ sở hội ở 9 huyện, thành, thị. Với mong muốn hỗ trợ, tạo nguồn lực để các cựu thanh niên xung phong (TNXP) trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2012, Hội cựu TNXP tỉnh đã phát động phong trào Cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế..

Với nhiều nỗ lực, 3 năm qua, các cấp Hội đã vận động hội viên lập quỹ Hội để cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng Quỹ Hội đã lên đến gần 1,4 tỷ đồng (mức bình quân đạt gần 350 nghìn đồng/hội viên). Ngoài ra, Quỹ Nghĩa tình đồng đội cũng huy động các hội viên đóng góp được số tiền xấp xỉ 700 triệu đồng.

 

Từ các nguồn quỹ này, các cấp Hội Cựu TNXP đã cho hàng trăm lượt hội viên vay. Qua đó, nhiều hội viên đã phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ vươn lên khắc phục khó khăn phát triển mô hình kinh tế phù hợp, tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp hội viên có nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, Hội còn tạo điều kiện về thủ tục, giấy tờ cho các hội viên vay vốn từ các ngân hàng. Với số tiền được vay, các hội viên đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định (chỉ tính trong năm 2015, đã có gần 280 hộ cựu TNXP đã thoát nghèo).

 

Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Hưởng ứng phong trào Gia đình cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế do Hội cựu TNXP tỉnh phát động, nhiều hội viên đã chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất, vừa đảm bảo cuộc sống của gia đình và bản thân, vừa hỗ trợ giúp đỡ nhiều bạn bè, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Một số hội viên sau khi thoát nghèo đã vươn lên làm giàu và nay lại tiếp tục đóng góp, hỗ trợ những hội viên khác còn khó khăn. Bởi thế, 3 năm trở lại đây, đời sống của hội viên Hội cựu TNXP trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt.

 

Đến nay, toàn tỉnh có 58 mô hình cự TNXP sản xuất hiệu quả. Riêng trong năm 2015, có 45 hộ cựu TNXP sản xuất giỏi, đạt thu nhập cao với mức thu nhập (đã trừ chi phí) đạt từ 100 đến 1 tỷ đồng/hộ. Trong đó phải kể đến một số mô hình điển hình như: Mô hình phát triển kinh tế của cựu TNXP Đồng Xuân Chung, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Tức Tranh (Phú Lương). Là người cần cù, chịu khó, yêu lao động và luôn có ý thức vươn lên, ông Chung đã mạnh dạn nuôi hàng trăm con dê sinh sản và dê thương phẩm; trồng cây bưởi diễn, bưởi da xanh... mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Hay như mô hình trồng cây keo lai, chế biến gỗ xuất khẩu, làm dịch vụ kinh doanh tổng hợp mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng của cựu TNXP Ngô Tiến Việt ở xã Phú Đô (Phú Lương). Ngoài ra còn có mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại thu nhập cao của các cựu TNXP Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên và Trần Văn Nhâm, xã Tiên Hội (Đại Từ)...

 

Có thể thấy, từ việc phát động phong trào giúp nhau làm kinh tế, đến nay, đời sống của nhiều gia đình cựu TNXP trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện vẫn còn hằng trăm hộ cựu TNXP nghèo và cận nghèo, do đó, Hội đang phấn đấu trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống gia đình và vươn lên làm giàu. Cùng với các biện pháp đã được thực hiện như cho vay vốn không lấy lãi từ nguồn Quỹ Hội; tạo điều kiện để các hộ hội viên nghèo được vay vốn của các ngân hàng thuận lợi; vận động hội viên có điều kiện kinh tế khá hơn giúp đỡ hội viên nghèo... Hội sẽ tổ chức cho các hội viên được tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của các cựu TNXP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến cho hội viên về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, các thông tin kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật, các kinh nghiệm hay về tổ chức sản xuất, dịch vụ... để các cựu TNXP nắm bắt, triển khai và vận dụng kịp thời, hiệu quả.