Sản xuất lúa theo hướng giảm diện tích tăng năng suất

11:29, 27/02/2016

Theo số liệu ngành Nông nghiệp cung cấp, những năm qua, sản xuất lúa liên tiếp được mùa. Riêng năm 2015, sản lượng lúa đạt hơn 354 nghìn tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Bà Nông Thị Hồng, một người dân ở xóm Soi 1, xã Nhã Lộng (Phú Bình) cho biết: 5 năm nay, nông dân chúng tôi liên tục được mùa. Lúa sản xuất ra không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt mà còn phục cả chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đúng như chia sẻ của bà Hồng, 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên liên tục được mùa lúa. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Sản xuất lúa của Thái Nguyên gặp nhiều thuận lợi là do các cấp, ngành của tỉnh đã chỉ đạo tốt việc sản xuất lúa, từ chuyển đổi cơ cấu giống, đến chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Thêm vào đó, tỉnh ta bước đầu đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung; nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp canh tác tiên tiến được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Tỉnh cũng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có hệ thống các công trình thuỷ lợi đảm bảo tưới được 94.116/ 121.710 ha gieo trồng, đạt 77%, trong đó, diện tích tưới cho lúa đạt hơn 66 nghìn ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách tích cực, phù hợp nên đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cũng như khai thác được tiêm năng thế mạnh sẵn có của địa phương. Đó là việc hỗ trợ giá giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, mua các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất lúa (giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta đầu tư gần 790 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuỷ lợi).

 

Có thể khẳng định, so với giai đoạn 2005-2010, sản xuất lúa ở Thái Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc cả về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, so với thực tế hiện nay, sản xuất lúa của Thái Nguyên cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Cụ thể, năm 2015, toàn tỉnh gieo cấy lúa hai vụ (xuân và mùa) được xấp xỉ 72,5 nghìn ha, tăng trên 1,2 nghìn ha so với năm 2011, nhưng sản lượng lúa lại giảm gần 1,4 nghìn tấn (năm 2011, sản lượng lúa là 368 nghìn tấn; năm 2015, sản lượng lúa giảm xuống còn trên 354 tấn). Ngoài ra, năng suất lúa hiện nay của tỉnh ta còn thấp so với cả nước cũng như so với tiềm năng (giai đoạn 2011- 2015 mới đạt 51,3 tạ/ ha); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất lúa cũng đạt thấp nên chưa phản ánh rõ hiệu quả sản xuất trồng trọt; tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao còn thấp (gần 30%). Đặc biệt, tỉnh chưa có quy hoạch đất trồng lúa và vùng sản xuất lúa tập trung. Một điều đáng nói nữa là lúa thương phẩm của tỉnh chưa trở thành hàng hoá mà chủ yếu vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi của người dân.

 

Dó đó, để cây lúa phát triển theo đúng lộ trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới, tỉnh sẽ sử dụng ổn định, linh hoạt diện tích đất lúa, tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa, gạo năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế; xây dựng được một số mô hình “cánh đồng lớn”, chú trọng sản xuất lúa hàng hóa năng suất, chất lượng; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó là phát triển theo hướng giảm và ổn định diện tích, tập trung đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất lúa.

 

Đến năm 2020, diện tích đất cấy lúa của tỉnh còn 38 nghìn ha (tương đương 67 nghìn ha gieo cấy cả năm). Giai đoạn năm 2016-2020, tỉnh ta sẽ chuyển đổi ít nhất 3.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn (trồng chè, rau đậu, cây ăn quả, nấm, cây dược liệu, trồng cỏ chất lượng cao phục vụ chăn nuôi...), hoặc nuôi trồng thuỷ sản, trong đó ưu tiên chuyển đổi đối với diện tích đất lúa 1 vụ; đất lúa xen kẹt, đất lúa thường hay bị úng lụt. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển cây lúa theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, quy trình kỹ thuật canh tác tiến tiến, ứng dụng quy trình VietGAP, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng và giá trị lúa gạo với mục tiêu năng suất lúa bình quân 2 vụ từ 54 tạ/ ha trở lên; diện tích lúa sản xuất tập trung, gieo cấy giống mới đạt 33,5 nghìn ha (chiếm 50 % tổng diện tích gieo cấy), năng suất bình quân đạt 58 tạ/ ha.

 

Cùng với đó là xây dựng ít nhất 50 mô hình dự án "cánh đồng lớn"; quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn; thực hiện đổi thửa, dồn điền; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng với tổng diện tích các mô hình đạt 5.000 ha trên đất lúa tập trung; ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, chế biến lúa hàng hóa chất lượng cao. Việc bố trí xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại các địa phương cũng sẽ được quan tâm. Riêng năm 2016, tỉnh ta sẽ xây dựng mô hình điểm ở huyện Phú Bình với quy mô từ 250 ha - 300 ha; huyện Đại Từ: 150 ha.