Tâm sự doanh nhân

16:35, 28/02/2016

LTS: Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đều có điểm xuất phát, quan điểm sản xuất kinh doanh khác nhau, nhưng tất cả họ đều có chung bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo. Chính họ đã và đang phát huy năng lực, trí tuệ của mình để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động, đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhân Lễ tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc, Doanh nhân tiêu biểu” tỉnh Thái Nguyên lần thứ VIII năm 2016, chúng ta cùng chia sẻ những khó khăn của các doanh nhân thông qua tâm sự của họ. Sản xuất Vắc xin thú y tại Nhà máy Mapharvet thuộc Tập đoàn Đức Hạnh BMG

Hội nhập TPP, doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp

 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG: Đứng trước những thách thức cũng như những vận hội mới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP+), thì việc đầu tư một nhà máy với dây truyền sản xuất hiện đại, tăng năng lực cạnh tranh của Công ty là hết sức cần thiết. Tháng 8-2013, Công ty TNG triển khai dự án xây dựng nhà máy may với diện tích 29.484m2 tại huyện Đại Từ với tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng, gồm 16 chuyền may đạt 1,2 triệu sản phẩm/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Đến tháng 10-2015, giai đoạn 2 của dự án được triển khai xây dựng, dự kiến đến quý 1-2016 sẽ đi vào hoạt động. Đây cũng là một mục tiêu nằm trong chiến lược phát triển của Công ty đến năm 2020. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy được nghiên cứu trên cơ sở những nhu cầu nội tại của công ty cần phải mở rộng sản xuất, hiện đại hóa và hoàn thiện đồng bộ quy trình công nghệ sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến đóng gói xuất hàng đầu ra. Khi được thực hiện, dự án sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho Công ty và góp phần vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ngành Công nghiệp địa phương, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm may mặc của Công ty nói riêng và của ngành may mặc Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

 

Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động

 

Bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng:  Sau đổi mới, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời (12-1990) đã mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân ra đời. Đặc biệt, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã thực sự hồi sinh và phát triển. Đối với Công ty CP Thương mại Thái Hưng, sau gần 23 năm xây dựng và phát triển, từ một cơ sở kinh doanh kim khí nhỏ lẻ, đến nay, Công ty đã phát triển nhanh, mạnh theo mô hình tập đoàn, kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực; bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 500 lao động; thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách với Nhà nước. Có thể nói, sự thành công của Thái Hưng hôm nay có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn từ các cấp, các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng và phát triển doanh nghiệp theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa 3 lợi ích: “Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động”.

 

Uy tín thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp tạo nên sức mạnh

 

Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Hạnh BMG: Tập đoàn ĐỨC HẠNH BMG là một trong những thương hiệu hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam và đang dần khẳng định vị thế trong kinh doanh Rượu cognac bổ...Sản lượng và doanh thu hàng năm của Tập đoàn đều tăng năm sau cao hơn năm trước, nộp ngân sách năm 2015 gấp đôi năm 2014, người lao động được quan tâm, được đào tạo, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đời sống được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, 100 % người lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân tăng (lương bình quân của người lao động năm 2015 là 7.100.000 đồng). Hàng năm, Công ty đã kết hợp với Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động Thị xã Phổ Yên làm tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội, xây nhà đại đoàn kết, ủng hộ người nghèo, dành những xuất quà Tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách... luôn chăm lo đến Văn hóa doanh nghiệp, xây dựng và đào tạo cán bộ, công nhân viên, luôn có những nghĩa cử cao đẹp nhân văn và đạo đức, tạo nhiều giá trị có ích cho xã hội.

 

Mục tiêu hướng tới của Tập đoàn là tiếp tục khẳng định thương hiệu BMG tại thị trường trong nước và đưa thương hiệu Tập đoàn vươn xa ra thị trường quốc tế, trở thành một trong những công ty đứng trong TOP 5 các nước ASEAN và TOP 10 các nước trên thế giới về sản xuất thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học... Công ty luôn tạo ra những sản phẩm chất lượng có ích cho xã hội. Chính bởi vậy, cá nhân ông Trần Đức Hạnh và Tập đoàn đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng cao quý của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Nhiều năm liền, Tập đoàn được Bộ Nông nghiệp & PTNT tặng Cúp vàng nông nghiệp tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế - Agroviet. Gần đây nhất, năm 2015, TS. Trần Đức Hạnh vinh dự được Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam tặng “Bảng vàng Doanh nhân của năm” và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng Giải thưởng “Nhà quản lý tiêu biểu thời đại mới”…


Dân chủ để phát huy trí tuệ tập thể

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viễn thông Thái Nguyên: Viễn thông Thái Nguyên là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin có uy tín, với truyền thống 70 năm phát triển cùng với năng lực mạng lưới rộng khắp, vượt trội, nguồn nhân lực có trình độ. Bên cạnh việc đảm bảo tốt thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước, năm qua, Viễn thông Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tái cấu trúc giai đoạn 2 theo chỉ đạo của Tập đoàn. Các chỉ tiêu kế hoạch đều tăng so với cùng kỳ năm trước với doanh thu tăng trưởng 16,7%; chênh lệch thu chi tăng 66,7% so với năm 2014; nộp ngân sách 28,1 tỷ đồng; năng suất lao động đạt 1,1 tỷ đồng/người/năm... Để có được kết quả đó, Viễn thông Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong sản xuất và kinh doanh như: đẩy mạnh công tác kinh doanh, tiếp thị và quản bá giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến khách hàng; đẩy mạnh công tác đầu tư, phát triển mạng lưới Viễn thông - Công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hoá đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và phục vụ khách hàng; tổ chức mô hình kinh doanh 3 lớp dịch vụ - hạ tầng và kinh doanh theo hướng chuyên biệt, khác biệt và hiệu quả; tổ chức tốt các phong trào thi đua, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn với tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, nữ công... Chính điều đó đã tạo nên môi trường công tác dân chủ, phát huy được trí tuệ tập thể.

 

Chất lượng công trình bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp

 

Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải: Với thế mạnh về xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, trong những năm gần đây, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, công nhân viên và người lao động Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải vẫn phát huy được sự đồng thuận, nỗ lực thực hiện tốt các công trình xây dựng hạ tầng giao thông trong và ngoài tỉnh. Nhờ bảo đảm về tiến độ, chất lượng và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, Công ty ngày càng khẳng định được uy tín thương hiệu, là đối tác tin cậy của các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, trong năm 2015, Công ty thực hiện nhiều dự án, công trình lớn: Nâng cấp đường Việt Bắc - Giai đoạn I (thuộc giai đoạn I Dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc, T.P Thái Nguyên); đường nối Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên với Khu công nghiệp Yên Bình (đường 47m)… Tổng doanh thu đạt 160 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 1,8 tỷ đồng; đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Với phương châm “Chất lượng công trình bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp”, trong thời gian tới Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải tiếp tục phát huy bản lĩnh và nghị lực của mình vượt qua mọi khó khăn, duy trì sự phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”…

 

Coi phong trào thi đua là động lực phát triển

 

Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX Chè Tân Hương: HTX Chè Tân Hương được thành lập từ năm 2000. Trong 15 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy sức mạnh của tập thể và thế mạnh của một HTX chè nằm trong vùng chè đặc sản của tỉnh, luôn phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, đầu tư máy móc, phương tiện sản xuất, cải tiến phương thức quản lý, áp dụng tin học vào quản lí khách hàng và quảng bá giới thiệu sản phẩm... Từ những cố gắng trên, HTX đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Khi thành lập HTX có 32 thành viên, với số vốn điều lệ là 6.080.000 đồng, đến nay HTX đã có tổng nguồn vốn và tài sản là 1,2 tỉ đồng trong đó vốn điều lệ là 522 triệu đồng và số thành viên là 44 người. Diện tích chè của HTX hiện nay là 25ha. Sản lượng ước tính là 65 tấn/năm chè búp khô các loại trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ là 12.8ha. Để tạo động lực cho cán bộ, công nhân lao động làm việc có hiệu quả, HTX kịp thời khen thưởng cho những người có thành tích, sáng kiến đem lại lợi nhuận và giảm chi phí cho HTX. Các phong trào thi đua trong HTX được tổ chức thường xuyên và liên tục. Mỗi đợt thi đua đều có sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời cả về tinh thần và vật chất cho thành viên và người lao động. Chính vì vậy đã động viên, khích lệ người lao động hăng say làm việc...