Vai trò lãnh đạo của Đảng ở một xã đặc biệt khó khăn

08:25, 18/02/2016

Là địa phương thuộc vùng 135, dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, xã Phủ Lý (Phú Lương) đã có những thay đổi khá toàn diện. Trong cả giai đoạn 2011-2015 nói chung và năm 2015 nói riêng, đại đa số các chỉ tiểu chủ yếu của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu mang lại kết quả đó là các cấp ủy Đảng địa phương ngày càng phát huy tốt vai trò lãnh đạo, xây dựng và triển khai có hiệu quả các nghị quyết.

Đồng chí Trần Quốc Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phủ Lý chia sẻ với chúng tôi những số liệu thống kê đáng mừng của địa phương: Diện tích trồng mới, trồng lại rừng đạt gần 84ha/năm (gấp hơn 4 lần kế hoạch); sản lượng lương thực có hạt luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra (đạt trung bình trên 1.500 tấn/năm), giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trên 20% mỗi năm; từ chỗ năm 2011 hầu như không có, nay toàn xã có gần 20 xưởng chế biến lâm sản, 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và 4 xưởng cơ khí; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2011 xuống còn 13,44%; thu ngân sách 34%/năm; 5 năm qua, xã đã huy động các nguồn vốn xây dựng được 20,56km đường giao thông nông thôn, người dân hiến gần 30.000m2 đất các loại để xây dựng kết cấu hạ tầng…

 

Xã Phủ Lý thuộc vùng 135, khó khăn nhiều hơn lợi thế, để có được những kết quả đáng khích lệ đó, Đảng ủy xã đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, quán triệt đầy đủ những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó, trọng tâm là lãnh đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất bằng việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, khuyến khích phát triển lâm nghiệp, chế biến lâm sản nhằm tận dụng tốt thế mạnh do có gần 900ha đất rừng, phát triển tiểu thủ công nghiệp... Điển hình cho việc cụ thể hóa chủ trương này là Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng Đề án Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; ra Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện các nội dung của Đề án, phân công các Đảng ủy viên trực tiếp quán triệt, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện tại các chi bộ xóm. Nội dung của Đề án đã đề cập và phân tích khá cặn kẽ những thuận lợi, khó khăn cũng như thực trạng kinh tế của xã, qua đó đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

 

Theo đồng chí Trần Quốc Bình thì việc thực hiện hiệu quả Đề án đã góp phần thay đổi khá nhanh bộ mặt kinh tế của xã theo hướng tích cực (như những số liệu đã nêu), điều quan trọng và mang tính bền vững là tư duy phát triển kinh tế của người dân đã được cải thiện nhiều so với vài năm trước. Ngoài phát triển thế mạnh về lâm nghiệp, người dân cũng mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trong tổng số 130ha chè kinh doanh sang các giống chè cành, cấy những giống lúa có tiềm năng cho năng suất cao (xã đã quy hoạch 4 vùng thâm canh lúa năng suất cao có diện tích 91ha, vùng sản xuất lúa nếp vải). Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu các giống vật nuôi truyền thống như lợn, gia cầm, người dân đã đẩy mạnh chăn nuôi dê. Phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại ngày càng được nhiều hộ dân lựa chọn (cả xã hiện có 20 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô khá lớn)…

 

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, triển khai hiệu quả nghị quyết của cấp trên, Đảng ủy xã Phú Lý quán triệt các đồng chí Đảng ủy viên thường xuyên bám sát cơ sở, dự đầy đủ các buổi sinh hoạt tại chi bộ được phân công, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo. Trong các cuộc giao ban vào ngày 30 hằng tháng, các Bí thư Chi bộ và Trưởng các đoàn thể được yêu cầu báo cáo đầy đủ, chi tiết những việc đã và chưa làm được trong tháng. Theo đánh giá của Đảng ủy thì chất lượng sinh hoạt của các chi bộ ngày càng được nâng lên, các nghị quyết đề ra sát với tình hình thực tế, trong nhiều năm liên tục, các chi bộ đều được xếp loại từ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đó là một yếu tố quan trọng để nghị quyết của các cấp được triển khai đầy đủ, hiệu quả đến từng cơ sở xóm, qua đó góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn của xã những năm gần đây.

 

Xóm Đồng Rôm là địa phương có điều kiện kinh tế khá so với mặt bằng chung của xã Phủ Lý. Hiện xóm có 10 xe tải, 2 máy xúc, 2 xưởng xẻ gỗ, 2 cơ sở sản xuất gạch không nung, 1 cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và 8 cửa hàng, một số hộ đã chăn nuôi theo hướng gia trại. Đồng chí Hoàng Văn Huân, Bí thư Chi bộ Đồng Rôm chia sẻ: Bám sát vào điều kiện thực tế của xóm (ít ruộng - xóm có 342 nhân khẩu nhưng chỉ có 13,8ha ruộng cấy), nằm cạnh Tỉnh lộ 263, Chi bộ xây dựng các Nghị quyết tập trung lãnh đạo, khuyến khích người dân phát triển tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, làm dịch vụ và kinh tế đồi rừng. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho 15 đảng viên phụ trách các khu vực. Trong hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, đặc biệt là đồng chí Lưu Văn Thế, Đảng ủy viên phụ trách Chi bộ. Vì thế, các nghị quyết của cấp trên và nghị quyết của Chi bộ đều được triển khai hiệu quả…

 

Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ xã Phủ Lý đề ra những mục tiêu lớn hơn, đặc biệt là phấn đấu trở thành xã nông thôn mới vào năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Bình nhấn mạnh: Với những bài học kinh nghiệm và nền tảng là kết quả đã đạt được, chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp vì đó là “chìa khóa” thành công.