Ở tổ dân phố 2, phường Lương Châu (T.P Sông Công) gia đình ông Giang Bá Xuân, bà Dương Thị Minh Chín được biết đến là một trong những hộ dân tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế. Với mảnh vườn rộng, ông bà đã trồng cây ăn quả, nuôi gà Đông Tảo cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Men theo con đường đất nhỏ, gồ ghề, chúng tôi mới đến được nhà ông Xuân, bà Chín. Trong khuôn viên rộng hơn 6.000m2, ngoài ngôi nhà tầng khang trang là vườn cây ăn quả với hàng trăm gốc bưởi, nhãn, ổi và đàn gà Đông Tảo gần trăm con. Nhìn cơ ngơi này, không ai nghĩ ông bà từng là cán bộ công tác trong ngành quân đội. Bà Chín kể: Chồng tôi sinh năm 1964, từng công tác tại Bộ Tư lệnh Thủ đô (Hà Nội), còn tôi sinh năm 1966, công tác tại Bệnh viện Quân y 91 ở T.X Phổ Yên. Do điều kiện 2 vợ chồng xa cách nhau nên nhiều năm liền, chúng tôi vẫn sinh sống tại khu tập thể của cơ quan. Sau bao năm tích cóp, năm 2004, vợ chồng tôi mua được mảnh đất rộng rãi này, đến năm 2007 thì xây nhà tại đây. Ngôi nhà hoàn thành xong, thấy còn nhiều đất trống, vợ chồng tôi bàn tính trồng cây ăn quả, vừa để tạo không gian xanh mát cho ngôi nhà, lại có trái ngọt để ăn. Vì quê chồng ở Hưng Yên nên chúng tôi chọn giống nhãn lồng, bưởi Hoàng Trạch về trồng thử.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Xuân vừa kể về những ngày tháng cải tạo khu đất, làm vườn: “Bãi đất này trước đây người dân đã khai thác để sản xuất gạch thủ công, đất nghèo dinh dưỡng, khô cằn nên vợ chồng tôi đã mua thêm đất màu, đổ lên trên rồi mới ươm, trồng cây ăn quả. Thời gian đầu, cứ hết giờ làm là vợ tôi tranh thủ ghé qua chăm sóc cho cây, cuối tuần tôi được nghỉ, hai vợ chồng lại lọ mọ cắt tỉa, vun xới. Cứ như vậy đến năm 2013, vợ chồng tôi đều về nghỉ chế độ, lúc này mới có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh tế”. Nhìn vườn cây nhãn xanh tốt, những cây bưởi trĩu trịt quả, trái ổi tròn to, đủ để chúng tôi thấy được sự cố gắng kiên trì của hai vợ chồng ông Xuân, bà Chín. Được biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, với giá bán 40 nghìn đồng/quả, riêng vườn bưởi trên 140 gốc đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng, hằng năm, thu nhập từ ổi, nhãn cũng lên tới trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng nguồn phấn hoa sẵn có, ông Xuân còn nuôi thêm 50 thùng ong, với trên 300 lít mật, 1 năm thu về thêm gần 50 triệu đồng.
Không chỉ chăm chỉ, cần mẫn chăm chút cho vườn cây, vợ chồng ông Xuân bà Chín còn mạnh dạn nuôi giống gà Đông Tảo. Ban đầu (năm 2008), ông chỉ nuôi 5 con, ngoài ra ông nuôi thêm gà tre, gà ri để tăng gia, phục vụ gia đình; qua các năm, số gà Đông Tảo vẫn duy trì khoảng trên 30 con. Đầu năm 2014, nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao về giống gà này, ông bà bắt đầu nuôi tăng đàn, dừng hẳn các giống gà khác. Để có thêm kinh nghiệm, ông Xuân đã về quê, học hỏi anh em, bạn bè, ghi chép từng mẹo nhỏ rất cẩn thận, nhờ vậy mà từ khi nuôi đến nay, đàn gà nhà ông không xảy ra dịch bệnh. Ông Xuân cho hay: Cách nuôi và chăm sống giống gà này cơ bản vẫn giống các loại gà khác, song nhược điểm của gà Đông Tảo là hệ tiêu hóa, hệ hô hấp yếu hơn, nên gà con cần phải tiêm đầy đủ các loại vắc-xin, uống thuốc phòng dịch. Sau 6 tháng nuôi, gà mái đã có thể đẻ lứa đầu tiên, mỗi lứa từ 10-12 quả trứng, sau khi nghỉ 1 tháng, chúng lại tiếp tục đẻ trở lại. Với nhược điểm đôi bàn chân to, xù xì nên gà Đông Tảo rất vụng về trong việc ấp trứng, vì vậy cần lắp thêm đèn trong chuồng, đảm bảo nhiệt độ đủ ấm để trứng nở. Để đảm bảo chất lượng trứng, con giống tốt, gà mái sau 1,5 năm khai thác là phải, thay thế... Giá bán trứng của giống gà này khá cao, có thể lên tới 50 nghìn đồng/quả, gà con mới nở 100 nghìn đồng/con, gà giống 1 tháng tuổi dao động từ 250 nghìn đồng-300 nghìn đồng/con... Vì vậy hiện nay, người dân vẫn chỉ nuôi chơi chứ chưa nuôi thương phẩm, nhưng nếu ai có nhu cầu đến tìm hiểu, gia đình tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Tôi mong rằng đặc sản quê hương mình không chỉ là đồ "tiến Vua" mà sẽ trở thành món ngon dân dã được nhiều người biết đến.