Những bông hoa mơ, hoa mận nở bung trắng xóa; bao cánh hoa đào phai với sắc màu hồng nhạt bắt đầu hé nở đã mang sắc xuân về với bản Lam Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai). Cuộc sống yên bình đang hiện hữu ở bản vùng cao này…
Với gần 120 hộ dân, Lam Sơn là một trong những bản có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống của xã Cúc Đường. Những ngày này, khi cái Tết Nguyên đán đang cận kề, nhà nào trong bản cũng bận rộn chuẩn bị vui Tết, đón xuân. Anh Ma Văn Diệp, Trưởng bản chia sẻ: Tết là dịp để mọi nhà sum họp nên gia đình nào cũng chuẩn bị rất chu đáo từ đồ ăn, thức uống đến các loại bánh kẹo, hoa quả tiếp đãi khách đến chơi nhà.
Cũng như các bản làng người Tày trong tỉnh, qua rằm tháng Chạp là bà con ở đây bắt đầu chuẩn bị lá dong gói bánh. Chị Lý Thị Chuyên, một người dân trong bản cho hay: Bây giờ, chúng tôi không còn phải vất vả vào rừng tìm lá dong nữa, chỉ cần ra chợ là có thể mua được thứ lá này. Thậm chí cả lạt giang dùng cho gói bánh cũng được người ta chẻ sẵn ra để bán cho mọi người. Từ ngày 25 tháng Chạp trở ra, nhiều nhà trong bản đã bắt đầu gói bánh chưng. Với những nhà có con cái đi làm ăn xa về muộn sẽ gói bánh muộn hơn khoảng 2, 3 ngày. Vui nhất là khi cả nhà cùng thức để luộc bánh chưng. Cảm giác được nếm thử chiếc bánh đầu tiên để kiểm tra độ “rền” của bánh rất thú vị.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài số gà được các hộ dân nuôi đón Tết từ 6, 7 tháng trước, thì hầu như nhà nào ở Lam Sơn cũng chuẩn bị lạp sườn để ăn Tết. Anh Diệp nói: Đây là món ăn rất được ưa chuộng của đồng bào dân tộc Tày. Để làm món ăn này, ngay từ đầu tháng Chạp, bà con đã đi tìm mua lòng non và thịt của những con lợn ngon ở trong vùng về làm. Những miếng thịt lợn nửa nạc, nửa mỡ được thái nhỏ, ướp gia vị và gừng rồi nhồi vào từng đoạn lòng non đã được làm sạch. Sau đó, người ta buộc túm hai đầu của các đoạn lòng non đã nhồi đầy thịt rồi treo lên gác bếp cho lạp sườn nhanh khô. Với người Tày chúng tôi, nếu thiếu món lạp sườn trên mâm cơm là thiếu hẳn hương vị riêng có của ngày Tết cổ truyền.
Để dịp đón xuân thêm ý nghĩa, ở Lam Sơn, bà con vẫn giữ thói quen thịt lợn Tết. Hộ có điều kiện sẽ thịt riêng một con lợn để ăn Tết; những hộ ít có điều kiện hơn hoặc gia đình có ít người sẽ chung nhau (từ 3 đến 5 hộ) thịt một con lợn. Đây là dịp để người thân, bạn bè, hàng xóm quây quần bên nhau uống chén rượu nhạt, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và tăng thêm tình đoàn kết nồng ấm…
Có được cái Tết đầm ấm và đủ đẩy như ngày hôm nay là bởi người dân Lam Sơn đã biết khai thác thế mạnh trong phát triển kinh tế đồi rừng để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Theo nhẩm tính của Trưởng bản Ma Văn Diệp, trung bình mỗi hộ dân trong bản có khoảng 4 ha rừng. Cách đây gần 10 năm, được hỗ trợ giống cây keo lai theo Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, bà con đã nhận giống cây về trồng trên diện tích đất rừng của gia đình mình. Đến khi được khai thác, mỗi ha rừng keo cho thu từ 80 đến 90 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, có hộ đã tích lũy được khoản tiền lớn (200 đến 300 triệu đồng) như gia đình ông Nông Văn Khóa và gia đình ông Lương Văn Nước. Là những hộ dân tiên phong tham gia Dự án trồng 5 triệu ha rừng, ông Khóa và ông Nước đã mạnh dạn trồng hàng chục ha rừng. Sau khi đã khai thác hết diện tích rừng keo gần chục năm tuổi, hai hộ dân này đang mạnh dạn đầu tư kinh phí cải tạo đất rừng và chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục trồng lứa cây keo lai khác.
Không chỉ biết phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, người dân Lam Sơn còn chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô. Với gần 50 ha ruộng hiện có, được gieo cấy bằng các giống lúa, ngô lai; lúa thuần chất lượng cao, năng suất lúa ở đây đã đạt xấp xỉ 50 tạ/ha, năng suất ngô đạt trên 40 tạ/ha (tăng khoảng 4 đến 5 tạ/ha so với 5 năm trước) giúp bà con có nguồn lương thực ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và chăn nuôi. Đặc biệt, sau 5 năm bén rẽ trên đất Lam Sơn, cây chè đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Trung bình mỗi hộ dân có khoảng 3 sào chè (chủ yếu là giống chè cành LDP1), một năm cho thu từ 7 đến 8 lứa, mỗi lứa cho khoảng 10kg chè búp khô/sào, với giá bán giao động từ 100 đến 150 nghìn đồng/kg, mỗi hộ dân thu nhập khoảng 20 đến 30 triệu đồng từ chè.
Thu nhập tăng lên đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Đến nay, 100% hộ dân trong bản đã có xe máy, ti vi. Đặc biệt, 100% số hộ đều đã có máy nông cụ. Trong bản không có trẻ em thất học, hộ gia đình nào cũng có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp…
Có cuộc sống yên ấm là niềm mong mỏi của các hộ dân ở bản vùng cao Lam Sơn. Xuân này, hàng chục hộ dân của bản đã thoát nghèo và được đón một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn những năm trước. Đây chính là mục tiêu để hơn 40 hộ nghèo còn lại của bản phấn đấu trong năm mới Bính Thân 2016.
Chia tay bản vùng cao Lam Sơn khi bóng tối đã phủ kín cả núi rừng và những nếp nhà sàn. Ngoài đường, sương mờ giăng kín lối đi, gió rét rít từng hồi nhưng chúng tôi vẫn thấy lòng mình ấm lạ khi trên bếp lửa hồng của mỗi ngôi nhà, nồi bánh chưng đang ùng ục sôi, mùi nếp thơm nồng mang hương xuân về với mọi nhà.