Thời gian gần đây, nhất là từ ngày 7-3-2016, khi Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu (có hiệu lực từ ngày 22-3) nhằm giúp ổn định ngành thép trong nước, thị trường thép trên địa bàn tỉnh trở nên cực kỳ sôi động. Trước dư luận cho rằng đang diễn ra tình trạng găm hàng, thổi giá làm thiệt hại đến người tiêu dùng, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại hai doanh nghiệp (DN) đứng đầu tỉnh về sản xuất và kinh doanh thép sau 6 ngày quyết định áp thuế tự vệ có hiệu lực.
Cứu cánh doanh nghiệp ngành Thép
Đã khá lâu rồi, trên 5.000 cán bộ, công nhân viên Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (với thương hiệu thép TISCO nổi tiếng) mới lại được đón nhận niềm vui khi thị trường thép trong nước mở ra. Tình trạng khó khăn, bế tắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị tưởng chừng còn kéo dài thêm nữa thì giờ đã bước đầu được khơi thông. Những mắt xích từng lỏng lẻo trong dây chuyền sản xuất của Công ty giờ đã được kết dính chắc lại. “Hai tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất của Công ty chỉ đạt 50% đến 60% công suất, nhưng từ đầu tháng 3 đến giờ, hệ thống máy móc, thiết bị tại các nhà máy đã vận hành mãn tải” - Ông Phạm Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Kinh doanh của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thông tin.
Với Công ty CP Thương mại Thái Hưng (nhà phân phối cấp 1 duy nhất của thép TISCO tại Thái Nguyên), cũng có nhiều nét tương đồng. Trước thời điểm tháng 3, thị trường thép khó khăn, Công ty cũng gặp bế tắc trong tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ biết phân tích tình hình thị trường, DN này đã chủ động chuẩn bị trước nguồn hàng nên khi bắt đầu áp thuế tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu, DN đã sẵn sang và đủ khả năng cấp hàng theo nhu cầu cao nhất.
Như đã biết, từ quý III năm 2015, giá thép trên thị trường liên tục giảm xuống khiến đơn vị sản xuất thép từ gốc (nguyên liệu quặng) như Gang thép Thái Nguyên trở nên điêu đứng. Tính từ tháng 7 đến hết tháng 12-2015, Công ty liên tục giảm giá 25 lần với tổng mức giảm là 2,5 triệu đồng/tấn so với trước đó. Thời điểm này, Công ty phải giảm kịch sàn sản xuất ở các khâu khai thác quặng sắt, than mỡ, nhưng vẫn phải cố gắng duy trì luyện gang, sản xuất phôi và thép cán để đảm bảo công ăn, việc làm cho người lao động. Do chỉ chủ động được một phần phôi thép cho cán thành phẩm nên Công ty vẫn phải nhập khẩu phôi từ bên ngoài. Mỗi tháng đơn vị sản xuất khoảng 60 nghìn tấn thép cán, tương đương với lượng phôi là 65 nghìn tấn, trong đó, DN phải nhập tới 40 nghìn tấn phôi.
Trong khi đó, phôi thép và thép cây giá rẻ từ bên ngoài ồ ạt tràn vào thị trường nội địa đã khiến ngành thép nói chung và nhà sản xuất, kinh doanh thép lớn như Gang thép Thái Nguyên và Thái Hưng nói riêng bị thua ngay trên sân nhà. Trước thực tế đó, 4 doanh nghiệp ngành thép, trong đó có Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đệ đơn khởi kiện và đề nghị Bộ Công Thương cho phép áp thuế tự vệ tạm thời 200 ngày (từ 22-3 đến đầu tháng 10-2016) đối với phôi và thép dài nhập khẩu (phôi thép là 23,3% và thép dài là 14,2%).
Cam kết không găm hàng, thổi giá
Ngay sau khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu đến nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã điều chỉnh tăng giá 4 lần. Theo lãnh đạo Công ty thì việc tăng giá trên đều nằm trong lộ trình, đã được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thông qua. Sau 25 lần giảm, giá thép TISCO là 9,3 triệu đồng/tấn, hiện tại, sau 4 lần tăng giá trở lại, giá thép ở mức 10,1 triệu đồng/tấn (chưa có thuế VAT). Đây được xem là mức tăng vừa phải, phù hợp với thị trường, giúp sản xuất của DN bớt bế tắc. Trả lời câu hỏi thị trường thép bên ngoài đang có hiện tượng thổi giá, có trường hợp người tiêu dùng phải mua tới 14 triệu đồng/tấn thép, ông Phạm Văn Dũng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Kinh doanh của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho hay: Có thể các đại lý nhỏ, hộ cá thể kinh doanh sắt thép tự đẩy giá lên. Công ty và các nhà phân phối cấp 1, 2 đều áp giá theo bảng niêm yết công khai, có lộ trình được duyệt. Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng cho rằng, nếu nhà phân phối cấp 1 tự đẩy giá chắc chắn nhà phân phối cấp 2 sẽ có ý kiến, phía nhà sản xuất cũng không bỏ qua. Cũng theo bà Nguyễn Thị Vinh, từ nhiều năm nay, Thái Hưng luôn thực hiện bán giá theo công bố của thép TISCO.
Về có hay không hiện tượng găm hàng, khi được trao đổi, cả Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (nhà sản xuất) và Công ty CP Thương mại Thái Hưng (nhà thương mại) đều cam kết xả hàng theo nhu cầu thị trường. Từ đầu tháng 3 đến nay, có thời điểm Gang thép Thái Nguyên xuất bán 10 nghìn tấn/ngày, cao nhất từ trước đến nay. Lúc trước mỗi tháng bán ra thị trường bình quân 60 nghìn tấn, nay đã tăng lên mức 110 nghìn tấn. Hiện tại, Công ty đã giải quyết được toàn bộ 35 nghìn tấn hàng tồn kho. Đối với Thái Hưng cũng vậy, tháng 3 này là tháng bứt phá nhất về sản lượng với mức tiêu thụ đạt 170 nghìn tấn (cả phôi và thép cán), tương đương với 3 tháng bán hàng trước đây. Doanh nghiệp này cũng cam kết không để khách hàng nào về không. Thời điểm hiện tại, có hôm Công ty cấp hàng tới 12 giờ đêm.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì thị trường thép hiện đang nóng hơi thái quá. Nguyên nhân chính là do xây dựng bắt đầu vào vụ, tâm lý áp thuế ảnh hưởng khá nặng đến cả nhà phân phối và người tiêu dung. Trước thực tế đó, nhiều người lo ngại thị trường sẽ thiếu thép, dễ dẫn đến giá ảo ở mức cao. Chuyên gia thị trường của thép TISCO nhận định, trong tháng 3 và tháng 4 tới nhu cầu thép tăng cao, nguyên liệu phục vụ sản xuất thiếu nên mức giá còn có khả năng tăng, nhưng khoảng tháng 6 trở đi sẽ chững lại vì giá phôi nhập khẩu tăng khiến các DN thép trong nước hướng tới nhập khẩu thép phế để sản xuất, ổn định thị trường. Gang thép Thái Nguyên sẽ cung cấp lượng thép tối đa có thể.
Để góp phần bình ổn thị trường, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đang ưu tiên số 1 đối với khách hàng sử dụng thép trực tiếp không qua thương mại. Giá bán bằng giá niêm yết của nhà sản xuất. So với mua trôi nổi bên ngoài, có khách hàng đã tiết kiệm được 200 nghìn đồng/tấn thép khi mua trực tiếp tại nhà phân phối cấp 1 của TISCO. Thái Hưng hiện đang có gần 1.000 khách hàng, nhưng có tới 60% là các nhà thầu và chủ đầu tư xây dựng, những người trực tiếp tiêu dùng.
Trước thực tế hiện nay, các nhà chuyên môn cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên thận trọng, hãy là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn những địa chỉ lớn, đáng tin cậy để đảm bảo mua với giá tốt nhất. Người tiêu dùng cũng đừng quá lo lắng, sợ sệt, thiếu phân tích mà vội vàng mua với giá cao. Thị trường thép thời gian tới chắc chắn không thiếu hàng.