"Bà đỡ" cho các thành viên

14:44, 25/03/2016

Thành lập vào đúng thời điểm hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đến nay, HTX chè Minh Thu đã từng bước khẳng định vai trò là cầu nối gắn kết giữa các thành viên và là "bà đỡ "đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chè của nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX chè Minh Thu (trụ sở tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Khi mới thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, số vốn điều lệ là 500 triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm trà sạch, an toàn, chúng tôi đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm trà theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho các thành viên HTX về tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương mà thiên nhiên đã ban tặng.

 

Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, hầu hết các thành viên của HTX đã tiếp thu kiến thức, khắc phục được những hạn chế, nhược điểm mà trước đây vẫn mắc phải ở phương pháp sản xuất chè thủ công. Từ đó, từng bước làm ra những sản phẩm trà sạch, an toàn được người tiêu dùng quan tâm, đặt hàng sử dụng. Chất lượng sản phẩm được khẳng định, do vậy lượng sản phẩm bán ra thị trường ngày càng nhiều. HTX đã tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm qua mạng Internet. Từ chỗ chỉ có vài đại lý ở các tỉnh lân cận, đến nay, HTX đã có hàng chục đại lý bán và giới thiệu sản phẩm ở trên 10 tỉnh, thành phố trong nước như: Hà Nội, Thái Bình, Khánh Hòa, T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau... HTX đang từng bước khẳng định được vai trò “bà đỡ” của mình cho nông dân. Bà Tạ Thị Hoàn, thành viên HTX cho biết: Nhà tôi có 2 sào chè. Trước đây, tôi thường mang ra chợ bán theo giá thị trường. Từ khi vào HTX, có nơi bao tiêu sản phẩm, chúng tôi không còn phải lo lắng khâu đầu ra nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn được hướng dẫn các quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tiêu dùng.

 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2015, HTX đã đầu tư nâng cấp thiết bị sản xuất như: Máy hút chân không cỡ lớn, chảo sao chè và hai máy vò chè mới, trang bị máy vi tính, máy in tem nhãn... Các sản phẩm trà của HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2013, HTX đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 5 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình HTX đạt sản lượng trên 121 tấn chè búp tươi/năm, tạo việc làm ổn định cho 40 lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,5 triệu đồng/người/tháng so với năm 2013). Với những thành tích đã đạt được, năm 2015, HTX đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh chè, góp phần quảng bá thương hiệu chè Thái Nguyên.

 

Nói về những thuận lợi khi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, bà Thu chia sẻ: Khi chuyển đổi theo luật mới, HTX sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi giống như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này giúp HTX có thể chủ động về vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Nếu như trước đây, HTX phải tìm đến các thành viên để vận động tham gia, nhưng sau thời gian hoạt động hiệu quả, người dân đã tự tìm đến để xin gia nhập.

 

Có thể thấy, HTX chè Minh Thu đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân; ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện tốt việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.